Đối với kỹ sư Nguyễn Đức Tuyển- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trinh Điện miền Trung, thì sự trưởng thành đó được đo thêm bằng chiều dài của những ki lô mét đường dây, chiều cao của những cột sắt, chiều dày của những khối bê tông, chiều rộng của những trạm biến áp và chiều sâu của những ki lô oát giờ điện.
Sinh ra và lớn lên bên dòng Kiến Giang hiền hòa thơ mộng của quê hương “Hai giỏi” Quảng Bình, một vùng đất mênh mông nắng, mênh mông gió và cũng mênh mông nước. Ở đây đã có một thời con người đọ sức với trời, đọ sức với giặc nên đã được tôi luyện ý chí “dạ sắt gan vàng”. Ý chí ấy giờ đây đang được thế hệ kế tiếp phát huy; đang cùng nhau đồng lòng, chung sức làm nên những kỳ tích mới trên bước đường xây dựng và phát triển- mà Nguyễn Đức Tuyển là một trong những người như thế. Trò chuyện với tôi, anh tâm sự: “Dòng chảy của lịch sử không một chiều êm ả. Con đường phía trước vừa có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, trong đó có nguy cơ tụt hậu về kinh tế là điều được cảnh báo nhiều nhất. Vì vậy mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững đang được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này thì điện phải đi trước một bước”.
Với anh, khi đã đảm đương một công trình, thì dù to hay nhỏ mà thành công cũng đều quan trọng, bởi thành công này sẽ làm tiền đề cho thành công khác và thành công sau càng làm cho thành công trước ngời sáng hơn, vạm vỡ vóc dáng hơn. Chính vì vậy mà dù ở vị trí nào anh đều tỏ rõ được năng lực và bản lĩnh của mình đối với công việc. Sau gần mười năm giữ cương vị Giám đốc Ban Quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung, anh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trọng điểm như đường dây và trạm 500kV mạch 3 Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, đường dây và trạm 220kV Vĩnh Tân- Tháp Chàm, đường dây và trạm 220kV Vĩnh Tân- Phan Thiết- Phan Thiết- Phú Mỹ, đường dây 220 kV Đăk Nông- Phước Long- Bình Long; đường dây 220kV Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới, đường dây 220kV Thanh Thủy- Hà Giang- Hà Giang- Tuyên Quang, đường dây và trạm 220kV Xekaman 1- Pleiku2… Cũng như đã tham gia xây dựng hàng loạt Công trình Đường dây và Trạm từ 220kV đến 500kV trên mọi miền đất nước. Từ Rạch Giá; Cà Mau- vùng sông nước của miệt vườn Nam Bộ, hay miền Trung nơi bão ập lũ tràn và Tây nguyên lộng gió, đến những nơi trùng trùng núi dựng, hun hút khe sâu, gió mùa buốt lạnh trên Bắc Cạn; Thái Nguyên, Hà Giang; Tuyên Quang, Lai Châu; Lạng Sơn, đến đồng bằng Châu thổ sông Hồng phù sa màu mỡ… Ở đâu có công trình đường dây và trạm được xây dựng là ở đó có anh. Để lý giải về sự có mặt của mình trên trên tất cả các công trình, Nguyễn Đức Tuyển bộc bach: “Ngành công nghiệp điện được chia làm ba công đoạn, đó là Nguồn phát; Truyền tải và tiệu thụ. Mà nhiệm vụ của những người xây lắp lưới điện là chuyên chở điện năng từ Nguồn đến Cơ quan- tức là từ Nhà máy phát đến nơi tiêu thụ. Vì vậy, nếu truyền tải mà trục trặc, thì việc cung cấp điện sẽ bị ngưng trệ, chính vì thế mà chất lượng phải đặt lên hàng đầu”.
Và do coi trọng chất lượng nên công trình nào anh cũng có mặt, tôi hỏi?
“Nói vậy cũng không sai. Bởi mỗi công trình đều có khó khăn và thuận lợi khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau đó là chất lượng và tiến độ. Hơn nữa điện là một loại sản phẩm đặc thù không thể thay thế, vì vậy đòi hỏi phải chính xác đến từng milicron”.
Có thể nói, dù ở đâu, thời điểm nào anh cũng tỏ rõ được bản lĩnh và sự mẫn tuệ của mình trong mỗi công việc, trên mỗi công trình mà anh phụ trách. Bởi với anh, để cho điện về muôn nẻo làng quê là cả một khát vọng mãnh liệt. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, Ban quản lý Dự án các Công trình Điện miền Trung do anh làm Giám đốc đã đầu tư xây dựng 7 Dự án đường dây 500kV với tổng chiều dài 2.945 ki lô mét; 18 Dự án đường dây 220kV với 2.605 ki lô mét, cùng với hàng chục Trạm biến áp 500kV; 220kV với tổng dung lượng là 22.650 MVA, đã góp phần làm cho các khu Công nghiệp rền vang tiếng máy, nông thôn sáng ngời ánh điện và những cánh đồng trải rộng màu xanh… Đặc biệt là công trình đường dây và trạm 500 kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, một trong những công trình trọng điểm đảm bảo kịp thời cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam và Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014- 2015. Tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện giữa 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia giai đoạn sau 2015, cũng như tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500 kV trên phạm vi toàn quốc. Rồi Công trình lắp máy biến áp 220kV trong trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa; đường dây 500 kV Vũng Áng- rẽ Đà Nẵng- Hà Tĩnh; công trình đường dây và trạm 220 kV Vĩnh Tân- Phan Thiết; công trình đường dây và trạm 220 kV Đồng Nai 5- Đắk Nông... Đã tăng cường công suất, giảm tổn thất điện năng, tăng cường độ tin cậy, ổn định và an toàn vận hành cho hệ thống điện miền Trung nói riêng và hệ thống điện cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới.
Là người biết trọng chữ tín, nên trong tâm thức của anh, chất lượng và tiến độ không chỉ đơn thuần là đảm bảo kinh doanh có lãi, mà còn lớn hơn đó là sự chờ đợi, là niềm tin của cán bộ và nhân dân. Anh luôn luôn đặt lợi ích của Nhà nước; của tập thể lên trên hết, bởi với anh, công trình đường dây và trạm không chỉ là những công trình góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước- mà còn là những công trình có giá trị để lại cho đời. Tôi đã từng chứng kiến nhiều lần anh chạy đôn, chạy đáo, lo đến mất ăn, mất ngủ khi có một công trình nào đó bị kéo dài tiến độ do ách tắc khâu giải phóng mặt bằng, do các phụ kiện, thiết bị về không đồng bộ… Và mới đây thôi, khi phải thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, anh phải xin giấy phép của Ủy ban phòng chống dịch Thành phố Đà Nẵng để tiện việc đi lại bám công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch- Dốc Sỏi và Dốc Sỏi Pleiku 2, để kịp thời chỉ đạo thi công đúng tiến độ, bởi đây là công trình trọng điểm cấp Quốc gia được Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”. Có thể nói, anh làm việc không kể ngày; tính thứ, luôn bám sát công trình, kịp thời chia sẻ những vất vả khó khăn với công nhân lao động, gần gũi và ân cần với người dân trong giải phóng mặt bằng, nhờ vậy đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa A và B với các ngành chức năng và Chính quyền địa phương nơi có công trình đường dây và trạm.
Anh nói với tôi mà như nói với chinh mình: “Đằng sau mỗi con người là cuộc sống rộng lớn của Dân tộc, là diện mạo, là tầm vóc của Thời đại. Cái hoài bão thường rất mãnh liệt, nhưng cái trăn trở lo toan lại phải rất cụ thể- mỗi thế hệ đều đứng trước mỗi thử thách khắc nghiệt và dĩ nhiên gương mặt của thế hệ chỉ ngời sáng khi biết chấp nhận thử thách để vượt qua, để đứng vững và sáng tạo nên những chiến công bất diệt. Cày một luống đất phơi ải để đón ánh nắng mặt trời cũng là một công việc, làm những chiếc kính hội tụ khổng lồ để tích năng lượng mặt trời tạo nên công suất trường cửu cũng là một công việc, sức đến đâu làm đến đó, đừng bao giờ ảo tưởng, cũng đừng lãng quên và đặc biệt là chớ nên lạm dụng”.
Nguyễn Đức Tuyển là vậy. Một con người mẫn tuệ, am tường, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất rộng lượng, thẳng thắn mà dễ gần; nguyên tắc nhưng không cực đoan; cởi mở chân tình nhưng không dễ dãi. Kham khổ mà đạo lý, hiền lành mà khẳng khái, da diết mà nghiêm nghị, chi li nhưng rộng lượng. Anh là người luôn biết đặt cái tôi trong cái chúng ta, biết kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, biết ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống. Anh chắt chiu và tiết kiệm từng đồng vốn của Nhà nước, nhưng cũng rất phóng khoáng trong tiền lương, tiền thưởng trước mỗi chiến công, mỗi thành tích mà tập thể và cá nhân trong đơn vị đạt được. Anh chính là một sứ điệp kết tinh nhiều ngẫm nghiệm thiết thân nhân bản, mang đậm dấu ấn của độ chín và một tâm hồn khao khát vươn tới vì cuộc sống đẹp tươi.
Với anh, con người bao giờ cũng là trung tâm, là hạt nhân của mọi cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định của quá trình phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy mà anh rất chú trọng đổi mới công tác quản lý- đây cũng là quá trình đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nâng cao tay nghề cho công nhân, chính nhờ vậy mà đội ngũ cán bộ, công nhân do anh quản lý bao giờ cũng mạnh về tổ chức, vững về chính trị và giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Anh xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ hiệu lực, cơ cấu tổ chức theo kiểu trực tuyến, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ chức năng quản lý điều hành sản xuất theo chế độ một thủ trưởng, đồng thời phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Nhờ vậy, trong một tập thể lãnh đạo mà anh là người đứng đầu luôn luôn đoàn kết từ ý nghĩ đến hành động, đã tạo nên một bước nhảy vọt về chất trong công tác quản lý điều hành công việc.
Nguyễn Đức Tuyển, tâm sự: “Ai gần thực tiễn thì người ấy biết những việc cần làm và những điều cần sửa, đừng thấy nông dân cày hết ruộng, nộp đủ thuế mà vội cho rằng chính sách đã tối ưu, cơn bão manh nha từ cánh chuồn chuồn. Trong sự im lặng bao giờ cũng bí ẩn, khám phá được bí ẩn ấy mới là điều cần làm. Quan trọng là phải biết lựa chọn đúng, thích nghi nhanh và cải tiến tốt”. Tôi cảm nhận sâu sắc điều anh nói, bởi cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý Dự án Các công trình Điện miền Trung đã “xốc” lại đội hình với một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tài để định ra hướng đi và cách làm cụ thể - mà trong đó mọi quyền lợi đều hướng về người dân. Tấm Huân chương Lao động hạng Nhì mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho anh là phần thưởng cao quý; là sự ghi nhận những đóng góp của anh đối với sự nghiệp phát triển lưới điện Quốc gia. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 90 ngày Truyền thống Dân vận của Đảng, Đảng bộ do anh làm Bí thư đã được Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Tuyên dương là một trong những Đảng bộ làm tốt công tác Dân vận. Nhưng với anh, phần thưởng cao quý nhất vẫn là niềm tin yêu của cán bộ nhân viên trong cơ quan nói riêng và nhân dân nói chung trên mỗi công trình và trong mỗi công việc là quan trọng nhất, bởi đấy chính là sức mạnh; là động lực giúp anh vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách để bước tiếp trên muộn dặm nẻo đường./.
Phan Sáu