Không ngại động chạm đến những vấn đề gai góc, góp tiếng nói phản biện, dựng xây xã hội, để những mầm xanh luôn được nảy nở dưới ánh sáng - ấy là quan niệm nghệ thuật của ông.
Lối đi riêng trong nghệ thuật xây dựng xung đột kịch
Một cây làm chẳng nên non, Tội ác và quyền lực, Đường đua trong bóng tối là ba kịch bản sân khấu của nhà viết kịch - TS Nguyễn Đăng Chương đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017. Cả ba tác phẩm đều đề cập các vấn đề đạo đức, sự tha hóa của con người trước quyền lực và tiền bạc, vốn là những vấn đề đang tồn tại nhức nhối trong xã hội.
Với ngôn ngữ trực diện, thẳng thắn, cách xây dựng tình huống kịch cô đọng, Nguyễn Đăng Chương không ngại mổ xẻ các chiêu trò, thủ đoạn chạy chức chạy quyền từ địa phương tới trung ương. Đó thực sự là một “đường đua trong bóng tối”, dẫu chỉ một người về đích, những người còn lại nếu không đạt được ý nguyện thì có thể lãnh nhiều hậu quả, thậm chí nợ nần, đánh mất danh dự và vị trí hiện có. Song họ vẫn bất chấp lao mình như con thiêu thân, đặt cược vào bản thân, đánh đổi cả hạnh phúc gia đình, đánh đổi cả người vợ tào khang, như nhân vật Việt Thắng trong kịch bản Đường đua trong bóng tối vì tham chức thứ trưởng mà vừa dỗ dành, vừa dọa nạt, thuyết phục người vợ xinh đẹp Hương Ly làm vật tiến thân, trở thành người tình bí mật của Trần Tổ - đầu mối trung gian, kẻ mua quan bán chức. Hay ở kịch Tội ác và quyền lực, hai mệnh đề tội ác - quyền lực được đặt song song. Người đọc, người xem sẽ từng bước trải nghiệm và chiêm nghiệm, nhận thấy những đắng đót, những hậu quả kinh hoàng khi quyền lực bị biến thành tội ác. Người ta sử dụng quyền lực vô lối ở mọi nơi chốn, vị trí, thay trắng đổi đen, tác động nghiêm trọng đến hạ tầng cũng như thượng tầng xã hội. Càng leo lên cao, người ta càng đánh mất chính mình và bằng lòng với sự đánh mất đó. Đây chính là nỗi buồn lớn nhất mà một người luôn trăn trở với thế sự như nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương không thể không bày tỏ qua trang viết.
Xây dựng những câu chuyện thế sự, đạo đức, phê phán trực diện nhưng không khô khan, không khiên cưỡng giáo điều - đó là bởi nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương có lối đi riêng trong xây dựng xung đột kịch. Xung đột ấy không đến từ những mâu thuẫn bên ngoài như giàu - nghèo, thiện - ác mà đến từ bên trong, khởi phát từ nội tâm nhân vật. Người cha của Đường đua trong bóng tối vốn là một cán bộ mẫu mực đã không thể chấp nhận được lối sống thực dụng, ích kỷ, tư lợi. Ông dằn vặt, đau đớn và quyết định làm đơn tố cáo lên lãnh đạo cấp cao, dẫu biết rằng hành động ấy có thể hủy bỏ sự nghiệp, tiền đồ của đứa con trai duy nhất. Người vợ trong kịch bản Lâu đài cát âm thầm nhẫn nhịn chịu đựng mọi thói hư tật xấu của chồng, nhưng để bảo vệ hạnh phúc của con trai, bà chấp nhận rời bỏ, trở về với con người thực, với những giá trị thực mà bà hằng khao khát.
Nhân vật nữ - khoảng sáng trong các tác phẩm
Một điều đặc biệt và có tính khái quát trong kịch Nguyễn Đăng Chương, ấy là khi khắc họa một thế giới đang tha hóa, đang vụn vỡ bởi quyền lực và tiền bạc thì ông luôn dành những phẩm tính tốt đẹp nhất, những lời yêu thương nhất để xây dựng các nhân vật nữ. Họ có thể bị hoàn cảnh xô đẩy vào những éo le, bị người thân trong gia đình phản bội, nhưng chính họ lại là đốm lửa hy vọng, là giọt nước mát lành cho những tâm hồn lưu lạc. Sự nén chịu, vị tha của những người phụ nữ trong kịch bản Lâu đài cát chính là “điều còn lại” duy nhất không thể sụp đổ, dẫu tòa lâu đài ấy hay thế giới ngoài kia có vụn vỡ thế nào. Điều còn lại cũng là tên một kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương mà ở đó đức hy sinh của người mẹ tỏa sáng rực rỡ giữa thế gian biến cải khó lường. Hay như ở kịch bản Nắng quái chiều hôm, người vợ biết chồng mình có con riêng với người phụ nữ khác nhưng vẫn bí mật gửi tiền gửi quà hỗ trợ nuôi dưỡng đứa con riêng ấy, bởi bà hiểu mẹ con người phụ nữ ấy cũng chỉ là nạn nhân của chồng bà.
“Trong tác phẩm của tôi không có người phụ nữ nào xấu cả” - nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương tâm sự như vậy. Cách nhìn nhận, xây dựng nhân vật như vậy có lẽ xuất phát từ văn hóa dân gian luôn coi trọng vai trò của người mẹ. Phúc đức tại mẫu. Người phụ nữ - người vợ - người mẹ chính là cái gốc vững bền, soi tỏ, đón đợi và bao dung cho những sai lầm của chồng con mình, thức tỉnh họ, đưa họ trở về với nhân thế. Người phụ nữ trong kịch Nguyễn Đăng Chương là một hình tượng nghệ thuật có tính mẫu mực, là khoảng sáng để những tác phẩm của ông dẫu phơi bày mặt trái xã hội, nhưng vẫn giúp người đọc, người xem tin vào điều tốt lành, tin vào những vận động tích cực trong đời sống.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương tự đặt cho mình mục tiêu một năm phải có ít nhất 2 tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp. Và mục tiêu ấy không chỉ đạt mà còn vượt. Những thành công, những giải thưởng nghề nghiệp động viên ông trên con đường sáng tạo nhọc nhằn, bằng một kỷ luật nghiêm khắc, những đêm trắng đối diện trang giấy hay màn hình máy tính. Khát vọng sáng tạo từ buổi ban đầu, qua năm tháng vẫn thôi thúc ông hướng về phía trước.
Nhà viết kịch - TS Nguyễn Đăng Chương sinh năm 1964 tại Ninh Bình, là con trai của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh. Ông đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017; giải tác giả xuất sắc nhất tại Liên hoan sân khấu thế giới tổ chức tại Trung Quốc năm 2016. Ông là tác giả duy nhất ở nước ta có kịch bản được Hiệp hội Sân khấu thế giới lựa chọn dịch ra tiếng Anh để phổ biến trên toàn cầu. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. |