Tết đặc biệt của các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống COVID-19

Khi người người, nhà nhà quây quần, sum vầy đón Tết thì nơi tuyến đầu chống dịch, các cán bộ y tế đang tranh thủ từng phút, từng giây làm nhiệm vụ chống dịch.

 

“Bản thân tôi và đồng nghiệp xác định năm nay không có Tết, dịch diễn biến đến đâu thì chúng tôi phải ngay lập tức có các hoạt động triển khai đến đó” - đó là lời chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) với phóng viên VOV trong những ngày cuối năm khi ông đang cùng các đồng nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. 

Ngày 27/1/2021, sau gần 2 tháng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca mắc ở Hải Dương do lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay sau đó hàng trăm ca mắc là các công nhân của Công ty Poyun (TP Chí Linh) đã được Bộ Y tế công bố. Hải Dương được xác định là nơi có ổ dịch lớn trong cả nước kể từ đầu mùa dịch.

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (bên trái) cùng đồng nghiệp đang hỗ trợ chống dịch tại TP Chí Linh, Hải Dương. (Ảnh: NVCC)

Đầu giờ sáng 28/1/2021, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đã cùng các y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành từ Trung ương về tâm dịch ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương để hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19. Ngay khi về tới vùng dịch, ông đã cùng các đồng nghiệp khẩn trương bắt tay vào công việc từ truy vết, khoanh vùng và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đến vệ sinh khử khuẩn nơi xảy ra ổ dịch.

Hai bệnh viện dã chiến ngay lập tức được thiết lập tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Chí Linh và Bệnh viện Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. 20 cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai và khoảng 10 cán bộ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã được chi viện xuống TP Chí Linh, Hải Dương để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Trận chiến có đặc thù riêng

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa cho biết, ổ dịch xảy ra tại một khu công nghiệp (Hải Dương) với số lượng công nhân lớn (khoảng 2.300 người). Các chuyên gia đánh giá dịch đã âm thầm trong một thời gian nên khi phát hiện có ca bệnh, ngay lập tức các cơ quan, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa ngay công ty, đưa toàn bộ công nhân đến nơi cách ly tập trung và thực hiện xét nghiệm toàn bộ, từ đó điều tra, truy vết.

Các nhân viên y tế đang được hướng dẫn cách phòng dịch, chống lây nhiễm chéo. (Ảnh: FBNV)

“Số lượng người cách ly tập trung khá lớn với hàng loạt thôn xã phải phong tỏa, chúng tôi gọi đó là trận chiến có đặc thù riêng. Rất may, số bệnh nhân bị nhiễm đa số là lực lượng công nhân trẻ, sức khỏe tương đối tốt nên cũng đỡ căng thẳng, áp lực cho việc điều trị” - ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.

Cũng theo BS Khoa, trong quá trình triển khai hệ thống điều trị, lực lượng y tế vẫn phải triển khai hệ thống đáp ứng được 3 nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là đảm bảo các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, phân luồng cách ly tốt, đảm bảo không lây nhiễm cho nhân viên y tế và lây nhiễm ra cộng đồng; Thứ hai cố gắng phát hiện sớm những ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng để điều trị tích cực và chuẩn bị sẵn các điều kiện cho cơ sở điều trị tích cực, hạn chế nguy cơ tử vong cho các bệnh nhân; Thứ ba là không được làm gián đoạn quá trình điều trị của người dân trên địa bàn với các bệnh khác, nhất là những người mắc bệnh mãn tính, những trường hợp cấp cứu, điều trị trên toàn địa bàn, trong đó đặc biệt là những địa bàn bị phong tỏa. 

BS Nguyễn Trọng Khoa vào thăm bệnh nhi điều trị COVID-19. (Ảnh: NVCC)

“Hiện nay, trừ những trường hợp cấp cứu có thể chuyển lên tuyến tỉnh, việc khám chữa bệnh thông thường, bệnh nhân không thể lên tuyến trên mà phải được điều trị, quản lý tại chỗ. Vì vậy, đội ngũ y tế đã thiết lập hoàn chỉnh phòng khám tại TTYT Chí Linh và thực hiện nhiệm vụ cấp cứu cho bệnh nhân toàn TP Chí Linh cũng như khu vực cách ly cần hỗ trợ về y tế” - ông Khoa nói.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với sự thay đổi về biến chủng mới virus SARS-CoV-2 từ Anh, bên cạnh việc áp dụng phác đồ điều trị cơ bản ổn định, hiệu quả, tại nơi tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế còn được tham gia tập huấn, đào tạo từ việc điều trị cho đến cách tiếp cận bệnh nhân, việc đi lấy mẫu, truy vết, hay tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các khu vực cách ly. Tất cả mọi công đoạn đảm bảo phải tuân thủ các yêu cầu về phòng lây nhiễm với mức độ nghiêm ngặt hơn. “Khi triển khai, chúng tôi phải trực tiếp cùng với các bệnh viện tuyến trên tập huấn thêm cho các nhân viên y tế nắm chắc các quy trình, thao tác làm sao để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cao nhất, với mục tiêu không để nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân” - ông Nguyễn Trong Khoa cho biết.

Đối tượng bệnh nhân COVID-19 đặc biệt

Ông Khoa cũng chia sẻ, đối tượng bệnh nhân lần này cũng khá đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhi, trong đó nhỏ tuổi nhất là bệnh nhi 27 ngày tuổi. Ngoài bệnh nhi nhỏ nhất có mẹ là F1 đi cùng để chăm sóc, hầu hết các trẻ từ 5-10 tuổi vào điều trị cách ly và không có người nhà đi cùng. Khi đó các y bác sĩ không chỉ làm nhiệm vụ điều trị mà còn phải quan tâm, chăm sóc cho các cháu nhiều hơn, động viên tinh thần cho các cháu, giúp các cháu giải tỏa tâm lý sợ hãi.

“Chưa bao giờ các cháu lại xa nhà, điều trị bệnh ở một nơi mà không có người thân bên cạnh. Các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc chùm kín mít, khiến nhiều cháu sợ hãi. Có lần tôi vào thăm, có cháu rơm rớm nước mắt, hỏi cháu bé không nói được câu nào. Thấy tình hình như thế, tôi có hỏi thăm cháu có đọc truyện không, thích đọc truyện gì, cháu bảo thích đọc truyện Doremon, tôi cũng mua cho các cháu một số truyện thì thấy các cháu cũng vui vẻ hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhờ một số bác sĩ tâm lý kết nối, nói chuyện với các cháu để các cháu ổn định tâm lý giúp việc điều trị tốt hơn” - BS Khoa chia sẻ.

Ngay khi nhận được thông tin về ổ dịch ở Hải Dương, BS Khoa và nhiều đồng nghiệp ở nơi tuyến đầu chống địch đều xác định năm nay không có Tết.

“Bản thân tôi cũng đã xác định, thông báo với gia đình là chắc chắn năm nay sẽ không về nhà ăn Tết. Tết ai cũng muốn quây quần, sum họp bên gia đình nhưng vì dịch, chúng tôi luôn coi đây là trận chiến nên mỗi người một việc. Chống dịch bắt buộc phải triển khai, phải làm, quyết tâm quyết liệt mới có thể thành công. Dịch diễn biến đến đâu thì phải có hoạt động triển khai đến đó” - BS Khoa cho biết.

Công tác hơn 10 năm trong ngành điều dưỡng nên việc trực Tết đối với chị Phan Thị Sen (khoa Điều dưỡng Khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) và các đồng nghiệp khác cũng là điều bình thường, bởi sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị sẽ được trở về nhà và ăn Tết cùng gia đình. Nhưng năm nay, dịch COVID-19, chị sẽ phải xa gia đình hoàn toàn, trực Tết và cách ly tại bệnh viện.

Chị Phan Thị Sen - Khoa Điều dưỡng Khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

“Không được về nhà đón Tết cùng gia đình, mặc dù cũng hơi buồn nhưng vì công việc chung, vì nhiệm vụ chống dịch nên khi được phân công nhiệm vụ, tôi luôn sẵn sàng. May mắn cho tôi là cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của ông bà, anh em họ hàng nên mới có thể yên phục vụ, chăm sóc cho các bệnh nhân” - chị Sen chia sẻ.

Đây là lần thứ 2 chị Sen làm nhiệm vụ chống dịch tại bệnh viện và phải thực hiện cách ly, xa gia đình, xa các con. Nhiều khi nói chuyện qua điện thoại với hai đứa nhỏ ở nhà, bọn trẻ tâm sự nhớ mẹ, chị Sen không khỏi xúc động và thương các con. Nhưng với chị, dường như “nghề chọn người”, nên tự nhủ cố gắng góp một phần nhỏ bé cống hiến cho đất nước, giúp đất nước chống dịch COVID-19.

Ngày 6/2, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương có dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao lực lượng y tế trong thời gian qua đã đáp ứng một cách khẩn trương, quyết liệt, nhanh chóng. Ngay khi nhận thông tin có ca nhiễm trong cộng đồng, đoàn công tác của Bộ Y tế được huy động với lực lượng rất lớn để hỗ trợ, chi viện cho Hải Dương và đối với bất cứ địa phương nào có khó khăn, lực lượng y tế sẵn sàng hỗ trợ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, hình ảnh các cán bộ y tế phải ngủ đất, lau dọn vệ sinh tại khu cách ly, hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến, đến những hình ảnh cán bộ y tế mệt quá ngồi ngủ gục đều vô cùng trân quý.... Bộ trưởng cũng biểu dương lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, đặc biệt là lực lượng y tế tuyến đầu đã thể hiện bản chất, sự quyết tâm và lòng quả cảm của các chiến sỹ áo trắng.

“Chúng ta đi vào trận chiến mà biết rằng đều có những rủi ro. Chúng ta hầu như không có đêm, đêm dành cho xét nghiệm, đêm dành cho truy vết với kỳ vọng sớm dập tắt được dịch. Chúng ta phải luôn luôn trong một tâm thế khi dịch xảy ra, chúng ta sẵn sàng ứng phó, nếu không sẽ luống cuống, bối rối, mất đi thời gian vàng trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị./.

Minh Khánh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận