Năm 2000, cơn lũ lịch sử quét qua Đồng Tháp Mười, đê vỡ, nhà trôi, lúa bỏ vào bao, đang để ngoài ruộng chưa kịp chở lên gò cao thì bị cuốn mất; nhiều nơi dân bị cô lập, đói kém thiếu ăn xảy ra. Nước dâng cao, Thị xã Cao Lãnh lúc bấy giờ nổi bồng bềnh trong lũ. Giữa lúc rối ren đó, ông Trương Vĩnh Trọng được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Việc đầu tiên ông tiến hành không phải là họp ban bệ, cũng không ngồi bàn giấy chỉ đạo. Ông đi xuống dân. Và những chuyện chưa từng có trong chỉ đạo đã xảy ra.
Tắt đèn sân tennis
Ngày ông đi xuống dân, đêm ông đi vòng vòng thị xã Cao Lãnh. Lúc đó phong trào chơi tennis trong cán bộ công chức nổi lên dữ lắm. Đêm đêm ánh đèn trong sân hắt ra mặt đường loang loáng nước lũ khiến người ta nhức mắt.
Sau khi thị sát, ông ra lệnh, hễ sân tennis nào còn sáng đèn thì lãnh đạo cơ quan đó hãy đặt lên bàn tờ kiểm điểm.
Ông dẫn giải: Vui sướng gì khi mà đồng bào đói khổ, lũ lụt hoành hành. Nếu không vắt óc suy nghĩ cách nào cứu dân thì tắt đèn, nén vui để tỏ rõ sự thấu cảm với dân, đó mới là đạo lý làm lãnh đạo, làm cán bộ.
Từ hôm đó, các sân quần ở Cao Lãnh tối thui. Có người không tán đồng nhưng "dân đen" thì bắt đầu thấy khoái ông Bí thư người Bến Tre được luân chuyển về làm lãnh đạo xứ mình.
“Cởi trói báo chí"
Lúc ông làm Bí thư Tỉnh ủy, Truyền hình Đồng Tháp làm phóng sự "Học Ngược" dự thi liên hoan truyền hình toàn quốc và đoạt giải. Phóng sự kể về câu chuyện có em học trò sáng ngồi lớp 4 chiều vô lớp 1 để học đánh vần. Đó là thực trạng nhức nhối vì chạy theo thành tích của ngành giáo dục mà ít ai dám nói thẳng.
Phóng sự ngay lập tức tạo hiệu ứng dây chuyền, ngành giáo dục tỉnh nhà giận tím người bèn kiện lên Tỉnh ủy. Ông Bí thư kêu đại diện nhà Đài và ngành Giáo dục qua Tỉnh ủy họp.
Sau khi nghe hết các ý kiến ông nói: Nhà báo có vai trò giám sát. Báo chí nói đúng phải rút kinh nghiệm, đi kiện nhà báo chẳng khác nào người ta đi trên cầu thang, mình phun nước bọt lên rớt xuống trúng mặt mình. Báo chí từ nay cứ làm hết chức năng phản biện giám sát của mình để các ngành, các cấp lấy đó mà soi mình, sửa chữa.
Đào tạo cán bộ cho Trung ương
Làm cán bộ phải có tâm và có tầm là câu nói của ông. Và Đồng Tháp không chỉ chăm lo đào tạo cán bộ kế cận cho tỉnh nhà mà còn phải phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho Trung ương.
Từ tư tưởng này, qua 3 nhiệm kỳ kể từ khi ông được điều về làm Bí thư, Đồng Tháp có một tập thể lãnh đạo trẻ, cầu thị và có tư duy phản biện khoa học. Cũng từ thời của ông về sau, Đồng Tháp đã có người về làm các bộ ngành Trung ương sau hàng chục năm vắng bóng.
Bí thư "Hai lúa" nhưng tác phong công nghiệp
Bề ngoài, ông ăn mặc giản dị. Nhà ở Bến Tre, mỗi lần về thăm nhà, tài xế cơ quan tới đón, nhưng ông đã khóa cửa ngoài. Gọi điện thì ông báo đã đi xe đò về rồi, ông đi việc riêng chứ không phải việc công nên cấm dùng xe công.
Mười mấy năm về trước, người dân Miền Tây có câu thành ngữ: “Giờ rắn hổ”, để ám chỉ tệ đi sớm về trễ, họp hành kéo dài, hẹn 7 giờ nhưng tới 9 giờ chưa mở màn. Ông về làm Bí thư Tỉnh ủy, sau mấy lần họp hành kiểu vậy, ông ra lệnh đúng giờ bắt đầu, lãnh đạo nào đi muộn thì không cần họp.
Và thật, một hôm có lãnh đạo đầu ngành trễ họp 10 phút, ông ra lệnh đóng cửa không cho vào. Từ đó ở Đồng Tháp, các cuộc họp hành đều rất đúng giờ: Chuông reo là khai mạc.
Tôi viết bài nói về ông - Chú Hai Nghĩa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ với tất cả lòng thành kính. Sáng nay nghe tin ông đã về với cõi người hiền. Lòng thật buồn nhưng đây không phải là lời ai điếu mà là một kỷ niệm sống mãi trong lòng.
Xin gửi về Chú Hai Nghĩa một nén hương lòng với cả tiếng lòng./.