Thích ứng
Trong khi đếm những giọt thời gian cuối cùng của năm cũ sắp cạn, chúng ta tĩnh tâm nhìn lại 365 ngày qua. Những điều thế giới, Việt Nam, từng gia đình, từng cá nhân đã nếm trải thật vượt quá dự liệu ban đầu. Nhân loại hy vọng sớm kiểm soát được đại dịch. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đại dịch đã cướp đi hơn 5.500.000 sinh mạng. Riêng nước Mỹ, năm 2021 đã phải tiễn đưa hơn 430.000 người. Hàng giờ trôi qua, mất mát, tang thương vẫn không dừng lại.
Thế giới chưa chiến thắng hoàn toàn Covid-19. Và đối với Việt Nam, phải gọi năm 2021 là một cú sốc. Từ sau chiến tranh, đất nước chưa bao giờ trải qua những mất mát về nhân mạng lớn như thế. Một lễ tưởng niệm quốc gia dành cho những đồng bào, bác sĩ, chiến sĩ bị Covid-19 cướp đi sinh mạng được trang trọng tổ chức nói lên nhiều điều. Những giọt nước mắt, những ngọn nến tưởng niệm sáng long lanh trong những ngõ nhỏ Sài Gòn nói lên nhiều điều.
Đại dịch dạy loài người phải biết luôn sẵn sàng đối phó với những biến động diễn ra ngày càng dồn dập, với tần suất và mức độ khó dự liệu hơn trước. Đại dịch dạy nhân loại phải biết thức tỉnh kịp thời và thay đổi. Không có gì là nhất thành bất biến, ngay cả cách đối phó với chính đại dịch. Đại dịch vừa đoàn kết thế giới nhưng cũng đồng thời chia rẽ thế giới, chia rẽ con người, đào sâu khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc, xã hội. Cùng đoàn kết thống nhất, bắt tay nhau hành động hay tự mở những lối đi riêng khác biệt là bài toán về sự lựa chọn. Quốc gia hay cá nhân nào nắm quyền lực càng lớn thì kết quả hay hậu quả của sự lựa chọn càng lớn. Những lựa chọn quyết định sẽ luôn được đánh giá và phán xét.
Với Việt Nam, năm Tân Sửu 2021 là năm thay đổi nhận thức và tâm thức. Đó là việc nhận thức lại cách đối phó với đại dịch vốn đã mang lại thành công vang dội trong bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đã không còn phù hợp nữa. Đó là việc nhìn ra những cơ hội bị bỏ lỡ để điều chỉnh chiến lược chống dịch. Thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả là một phương châm ứng xử có lẽ không chỉ đúng với Covid-19. Khi đã thay đổi được nhận thức, hệ thống chính trị đã vận hành quyết liệt, hiệu quả hơn, để chỉ trong thời gian không dài, từ “điểm trắng” vaccine của thế giới, Việt Nam vươn lên nhóm đầu các nước có độ phủ vaccine cao nhất, và đến bây giờ, không một công dân nào từ 18 tuổi trở lên không được tiêm vaccine. Kết quả ấy không chỉ từ bản lĩnh lựa chọn của những nhà lãnh đạo, mà phải cần sự thống nhất nhận thức của dân. Dân nhận thức, dân thôi thúc, dân đồng lòng hành động mới tạo ra kết quả như vậy. Từ nền tảng của độ phủ vaccine rộng rãi, các hoạt động kinh tế, sinh kế của dân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Tuy chậm hơn tốc độ hồi phục chung của kinh tế thế giới nhưng là những tín hiệu đầy hy vọng.
Trở về
Tết là để trở về, là khao khát trở về với gia đình, với quê hương, với đất nước yêu thương của những người xa xứ. Đại dịch, mất mát, những trải nghiệm vô giá khiến khao khát trở về rộng lớn, sâu sắc và dữ dội hơn thế. Trong những ngày giãn cách, trong nỗi đau và tổn thất vì đại dịch, từng người đều có nhu cầu trở về với chính mình, nhìn sâu vào tâm hồn mình, đánh giá và điều chỉnh lại nhu cầu cá nhân của mình để Thay đổi.
Phải chăng chúng ta thấy từng giây phút bình an quý giá hơn nhiều khao khát về vật chất. Nhu cầu được ở bên những người thân yêu, trong sự ấm áp, đùm bọc của gia đình, làng xóm, quê hương đất nước trở nên thôi thúc hơn. Phải chăng đã đến lúc phải trở về với những giá trị tinh thần thiêng liêng, với nguyên lý cơ bản của bất kỳ xã hội nào chính là tình yêu thương và sự tử tế. Có phải vì thế mà những hành vi kiếm tiền trên nỗi đau của đồng bào, với thử thách của nhân loại bị lên án và khinh bỉ. Sự ích kỷ, dã tâm, tham vọng cá nhân bất chấp tất cả, sẽ bị nhấn chìm bởi cảm xúc và ý thức mạnh mẽ về những điều lương thiện nhân văn.
Những suất ăn nghĩa tình, những ổ bánh mì giòn nóng, những chai nước cho không ấm lòng người mùa dịch. Những hy sinh, mất mát không thể đong đếm của đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu nói lên điều gì nếu không phải là lòng nhân ái, yêu thương lan tỏa.
Không chỉ với mỗi cá nhân, từng tổ chức, từng doanh nghiệp đang nhìn vào nội tại, thấy rõ hơn đâu là giá trị cốt lõi của mình, qua đó tự điều chỉnh, cấu trúc lại. Rõ ràng nhất là đại dịch thúc đẩy chúng ta tìm những phương thức kết nối và sinh tồn, phát triển mới, đó là sự kết nối trên không gian số, là giá trị của chuyển đổi số. Các tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sớm, chuyển đổi nhanh đã và đang nhìn thấy những cơ hội mới. Đại dịch muốn nhân loại đóng cửa, cách biệt con người nhưng lại khiến sự hàn gắn, kết nối diễn ra nhanh mạnh hơn.
Và ở thượng tầng, hệ thống chính trị vẫn kiên định nguyên tắc tự soi, tự sửa. Nhìn rõ hơn, hạn chế bất cập. Ngọn lửa phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng vẫn diễn ra không nghỉ, không ngừng, nuôi dưỡng niềm tin, bảo vệ niềm tin. Trên tất cả, dân tộc này lại nhìn thấy rõ hơn bản lĩnh văn hóa gốc rễ của mình, thích ứng uyển chuyển linh hoạt nhưng dựa trên bản lĩnh và sự đoàn kết, đấy chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh và động lực phát triển. Luôn rút ra những bài học quý giá và gượng dậy, vươn lên. Để mất mát không chỉ là mất mát.
Khát vọng
Mùa xuân luôn đi liền với hy vọng. Hy vọng xuân Nhâm Dần 2022 với tâm thế của mãnh hổ, những điều u ám sẽ sớm qua nhường cho sự hồi sinh. Hy vọng cuộc sống của nhân dân sẽ được cải thiện hơn, nền kinh tế sẽ lấy lại đà phát triển, từng gia đình, từng doanh nghiệp sẽ “đỏ da thắm thịt” hơn.
Không thể chủ quan là đại dịch sẽ sớm được kiểm soát cũng như không thể ngồi nhìn mùa xuân tự đến. Thời gian không chờ đợi một ai. Hy vọng không chưa đủ mà cần có khát vọng, phải thắp sáng khát vọng làm cho đất nước hùng cường, người dân được ấm no, được sống trong hạnh phúc, công bằng, công lý như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngay trong những ngày khó khăn dịch dã, hàng loạt giải pháp đã được chuẩn bị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển. Trong ba mũi đột phá là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế thì ai cũng nhận ra thể chế là quan trọng nhất. Thể chế do chúng ta tạo ra nhưng do trình độ còn hạn chế mà thể chế luôn lạc hậu hơn thực tiễn, trở thành lực cản cho đổi mới, sáng tạo. Hoàn thiện thể chế không chỉ là tự tháo gỡ vướng víu, rối rắm cản trở những bước chạy vạn dặm. Hoàn thiện thể chế còn là việc hoàn thiện một hệ thống chính sách, pháp luật có khả năng kiến tạo phát triển.
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất tổ chức ngay đầu năm 2022, ngoài một gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 350.000 tỷ đồng lớn chưa từng có được thông qua, thì gói sửa đổi hàng loạt luật để đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng lại được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước ngoặt nhằm đạt mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc gấp 3 lần của 20 năm trước cộng lại. Không có quốc gia nào đạt được sự phát triển đột phá nếu thiếu hệ thống đường cao tốc hiện đại. Hạ tầng đồng bộ hiện đại là cao tốc dẫn đến phú cường. Hy vọng đất nước ta sẽ chứng kiến nhiều điều bất thường tốt lành như vậy để hạnh phúc, phồn vinh đến không chỉ theo mùa./.