Hồi sinh vùng đất chết

Gio Linh là vùng đất 'tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến','tọa độ lửa và là vùng đất chết'. 50 sau, Gio Linh đã hồi sinh, chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.

 

50 năm trước, ai có dịp qua Gio Linh - Quảng Trị chắc sẽ thấy mặt đất nhẹ hẫng đi trong ngọn gió lùa lay lắt thổi qua ngọn cỏ tranh và những con đường hút giữa lau lách và các loại dây bìm, dây leo. Giờ đây, mảnh đất này đã chuyển mình, lớp lớp màu xanh mọc lên khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy.

50 năm sau cuộc hành trình máu lửa

Trên miền đất này, 50 năm trước quân và dân ta đã đồng loạt thực hiện cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy” quét sạch đồn bốt Mỹ, ngụy ở mặt trận bắc Quảng Trị, giải phóng huyện Gio Linh và Cam Lộ vào ngày 2/4/1972, làm bệ phóng vững chắc cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị ngày 2/5/1972.

Ôm vào lòng cả quá khứ và hiện tại của mảnh đất này, tôi bắt gặp hình ảnh của Gio Linh trong bề bộn lo toan cho bước đường đi tới - bước đường khai thác thế mạnh tiềm năng để phát triển và hội nhập, xây dựng Gio Linh xứng đáng với tầm vóc của một huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.

50 năm sau cuộc hành trình máu lửa của cuộc chiến tranh giữ nước, Gio Linh vẫn hiên ngang đi những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới. Chiến tranh, chết chóc, khổ đau, khốn khó mọi bề, nhưng Đảng bộ và nhân dân Gio Linh vẫn vững vàng và lạc quan, kiên gan vượt lên mọi khổ đau, thiếu thốn để làm nên một cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả, đã tạo ra một bước nhảy vọt về chất trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.

Đứng trên cao điểm 46 - hay còn gọi là Dốc Miếu - nhìn bao quát toàn cảnh làng quê trong màu xanh no ấm, tôi bồi hồi nhớ lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết trong những ngày đầu mới giải phóng: “Trèo lên Dốc Miếu lặng nhìn Quán Ngang/ Bời bời cỏ lút đồng hoang/ Chim kêu cành cụt/ Chang chang nắng cồn”… Đúng vậy, 50 năm trước ai đã có dịp qua đây chắc sẽ thấy mặt đất nhẹ hẫng đi trong ngọn gió lùa lay lắt thổi qua ngọn cỏ tranh và những con đường ngập hút giữa lau lách và các loại dây bìm, dây leo mọc đùn lên thiên hình vạn trạng. Vậy mà giờ đây, ngay trên mảnh đất này - mảnh đất mà người ta nghĩ rằng chỉ còn là một di chỉ buồn bã của sự hủy diệt, màu xanh đã mọc lên, sống lại, tươi non, biếc xanh lớp lớp giăng khắp mặt đất như một thế hệ trẻ đang đứng dậy. Đấy chính là sự chuyển mình đi lên của mảnh đất lịch sử đã làm tròn sứ mệnh “Tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến” trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Nhìn những vườn cao su tiểu điền thẳng tắp đang trong mùa thay lá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - ông Võ Đắc Hóa tâm đắc: “Mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng trong nhiều năm qua, Đảng bộ Gio Linh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội, mà trước hết là đường giao thông. Bởi hơn ai hết, người dân Gio Linh hiểu rằng đường đi là đường thoát nghèo, đường làm giàu, đường mở tới đâu là ánh sáng văn hóa, là khoa học - kỹ thuật sẽ vào theo tới đấy”.

Điện mặt trời ở Gio Linh đã hòa lưới điện quốc gia

Đường lối đúng đắn, chính sách đầu tư linh hoạt, cơ cấu kinh tế hợp lý nên bước đầu Gio Linh đã có những chuyển biến đáng kể, đã tạo dựng được những mô hình sản xuất kinh doanh mới, có hiệu quả, nhất là mô hình phát triển cây cao su tiểu điền, cây hồ tiêu và các loại cây ăn quả ở vùng gò đồi; nuôi cá nước ngọt; cá + lúa dọc sông Cánh Hòm; lúa chất lượng cao; trồng lạc, trồng dưa và mướp đắng trên vùng cát… Đã giải quyết được cơ bản về nhu cầu lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các kết cấu hạ tầng đã có chuyển biến đáng kể, đặc biệt là hệ thống điện đường, trường trạm được đầu tư tương đối đồng bộ, đã nhựa hóa và bê tông hóa toàn bộ hệ thống giao thông từ huyện xuống xã và liên xã, liên thôn…

“Ý Đảng lòng dân” ở mảnh đất nắng gió, kiên cường

Là một huyện nông nghiệp thuần túy nên Gio Linh rất chú trọng đến hiệu quả cây trồng, vật nuôi để ổn định và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt của cơ chế thị trường cũng như thời tiết khí hậu. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Quảng, Bí thư Huyện ủy Gio Linh khẳng định: “Một nền nông nghiệp bền vững phải là một nền nông nghiệp giữ được thế cân bằng trước mọi tác động nghiệt ngã của thiên tai cũng như biến động của cơ chế thị trường”. Chính vì thế mà trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XVII đã ghi rõ: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng. Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, phấn đấu tăng giá trị bình quân hằng năm từ 9 - 9,5%, đa dạng hóa cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học trong nông nghiệp đồng thời với xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP để tạo bước đột phá trong sản xuất hàng hóa. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các vùng sản xuất cây chuyên canh như: Cao su tiểu điền; hồ tiêu; lạc; lúa chất lượng cao, cây thực phẩm, sắn nguyên liệu để tham gia thị trường trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm trồng mới và trồng lại từ 250 - 300ha rừng tập trung và 150.000 cây phân tán để giữ độ che phủ trung bình trên 54%...

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Gio Linh đã bắt đầu khởi sắc, có bước phát triển tương đối toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm là 8,8%, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng. Nhờ vậy mà sản lượng lương thực năm 2021 vừa qua đã đạt 40.125 tấn, tăng 2.580 tấn so với 5 năm trước. Về thủy lợi, ngoài những công trình lớn như Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn… huyện đã đầu tư và hỗ trợ cho một số xã xây dựng những công trình thủy lợi vừa và nhỏ, kết hợp thủy lợi với nuôi cá nước ngọt và giao thông nông thôn, đã đưa diện tích tưới tiêu chủ động lên trên 85%, mở ra một số vùng thâm canh ở Trung Hải, Gio Mai, Gio Quang... Đối với kinh tế biển cũng được đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa phương tiện thuyền nghề để đi khơi, đi xa, bám biển dài ngày, khuyến khích ngư dân phát triển tàu trung bờ, xa bờ, đưa thủy sản thành kinh tế mũi nhọn. Và cùng với phát triển thuyền nghề, dịch vụ nghề cá cũng phát triển mạnh, nhờ vậy, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, đánh bắt năm vừa qua đã đạt trên 15.250 tấn, tăng 2.500 tấn so với trước. Còn ở vùng gò đồi, nhờ thực hiện tốt chủ trương giao đất giao rừng và có chính sách đầu tư đúng đắn nên cây công nghiệp và cây thực phẩm phát triển khá đa dạng. Huyện đang từng bước đưa vùng gò đồi - nhất là vùng đất đỏ bazan thành một vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả theo hướng vườn đồi, vườn rừng với các loại cây như hồ tiêu, cao su, cà phê, dâu tằm và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.

Ngư dân Gio Linh được mùa cá

Phát huy những thành quả đã đạt được, Gio Linh đang đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ nhằm phát huy tính năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn bố trí lại nhóm ngành nghề, nhóm sản phẩm để khai thác và phát huy mạnh mẽ mọi yếu tố, mọi tiềm năng thế mạnh của huyện và sức mạnh tổng hợp của nhân dân. Điều này được chứng minh rất rõ khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của huyện Gio Linh đó là không còn hộ đói giáp hạt, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 10%, hộ giàu đang tăng dần. Trên 75% số hộ đã có nhà xây mái ngói, đã hình thành vùng cây công nghiệp tập trung và vành đai thực phẩm cho cảng Cửa Việt, Thành phố Đông Hà và những vùng lân cận… Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, cuộc sống văn hóa mới ở nông thôn được hình thành càng khẳng định “ý Đảng lòng dân” trong công cuộc đổi mới đi lên ở mảnh đất nắng gió và kiên cường này./.

Phan Sáu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận