Danny Võ Thành Đăng: Thành công của mỗi cá nhân là thành công chung của đất nước

Điều chúng tôi mong muốn là cần có truyền thông tốt, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới để các kiều bào trở về với tâm thế tự tin.

 

Quyết định trở về lập nghiệp tại quê hương Việt Nam từ năm 2008, đến nay Danny Võ Thành Đăng, Việt kiều Singapore đã trở thành một trong những mẫu hình khởi nghiệp thành công tại quê nhà.

Không chỉ là một doanh nhân, chuyên gia tư vấn phát triển thương hiệu, Danny Võ Thành Đăng còn được biết đến là một diễn giả truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo. Anh cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt tại nước ngoài. Anh đã chia sẻ với phóng viên VOV về những gì anh đang làm tại Việt Nam.

Danny Võ Thành Đăng.

Anh có thể kể câu chuyện trở về phát triển sự nghiệp tại quê hương Việt Nam của mình?

Đi du học ở Australia, Newzeland, lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ quay trở về nước vì khi đó có quá nhiều cơ hội và môi trường tốt ở nước ngoài. Nhưng sau khi tôi được nhập quốc tịch Singapore năm 2007 rồi 2008, lại cùng thời điểm Việt Nam được gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tôi nhận thấy đây là cơ hội rất lớn để phát triển sự nghiệp ở quê hương bởi Việt Nam có dân số lớn, đặc biệt là thị trường lao động rất trẻ. Đây thực sự là một tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư.

Và người ta hay nói, khi sống xa quê mới cảm nhận rõ được tình yêu đối với quê hương, đất nước. Kiểu như là sau mỗi chuyến đi dài, học được nhiều cái mới, trở về nhà thấy thoải mái vì ít nhất mình được là chính mình. Đó là lý do tôi trở về mặc dù ban đầu gặp phải rất nhiều rào cản, khó khăn. Đến giờ sau hơn 10 năm rồi, nhìn lại tôi vẫn cho rằng đó là lựa chọn đúng.

Danny Vo Thanh Dang (thứ 2 từ phải).

Không chỉ là một doanh nhân, chuyên gia tư vấn xây dựng phát triển thương hiệu của công ty CBC Việt Nam, anh còn được biết đến là một diễn giả rất có duyên về truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc thú vị này?

Tôi là một nhà thiết kế, đồ họa, quảng cáo và kiến trúc sư. Năm 2010, tôi có cơ duyên làm việc với các đơn vị đào tạo và phát triển con người những kỹ năng mềm. Tôi thấy, giới trẻ Việt Nam đang thiếu nhiều kỹ năng mềm, yếu tố vô cùng cần thiết để tạo nên sự thành công trong sự nghiệp. Vì vậy, tôi thấy chúng ta cần phải ngay lập tức cải thiện điều đó. Đó chính là lý do tôi tham gia đào tạo giảng dạy và huấn luyện, kết nối cho nhiều lứa anh chị em lãnh đạo cũng như giới trẻ ở Việt Nam. Với việc chia sẻ những lớp khoảng 30 người, tôi muốn giúp thay đổi cách nghĩ của học viên.

Bên cạnh đó, tôi muốn được lan tỏa nhiều hơn, chia sẻ những giá trị tích cực, thú vị để mình chạm tới nhiều người hơn nữa, giúp mọi người có được một cuộc sống tốt hơn. Với sứ mệnh tôi được tìm thấy cho chính bản thân mình làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Hy vọng rằng năng lượng tích cực đó sẽ được lan tỏa cho tất cả mọi người và cho cả chính bản thân tôi nữa để cùng tiến đến thành công mới. Tôi nghĩ là thành công của mỗi cá nhân chính là thành công chung cho cả đất nước.

Ngoài những công việc vừa nói, anh còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt ở nước ngoài - kênh kết nối khá hiệu quả giữa kiều bào với quê hương, Anh nghĩ sao về về sứ mệnh này?

Được tham gia vào Hiệp hội Doanh nhân ở nước ngoài và đảm nhận cương vị phó chủ tịch là cơ hội để tôi có nhiều chuyến đi về để kết nối với các cơ sở ban, ngành tại Việt Nam. Nhà nước ta đang có nhiều chính sách hỗ trợ kiều bào khởi nghiệp nên tôi cũng cố gắng tạo kết nối lan tỏa tích cực tới các cơ quan bộ, ngành trong nước. Ví dụ, tôi đã hợp tác với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, UBND các tỉnh để chia sẻ, truyền đạt những kiến thức mà chúng tôi đã lĩnh hội ở nước ngoài nhằm giúp các địa phương phát triển. Đó là sự kết nối và là sứ mệnh cao cả mà tôi mong muốn được làm lâu dài.

Danny Võ Thành Đăng trong vai trò MC tại Diễn đàn kết nối doanh nhân với sự phát triển bền vững 2019. Ảnh VTV4

Sự kết nối, sự lan tỏa ấy của Hội còn được thể hiện thông qua các hoạt động nào khác, thưa anh?

2 năm gần đây có khá nhiều diễn đàn, đặc biệt là về khởi nghiệp và kết nối với kiều bào trẻ - thế hệ thứ 3 để có nhiều thông tin, cách tiếp cận. Qua những sự kiện như vậy, với vai trò là người điều phối tôi thấy hiệu quả, sự lan tỏa và chất lượng rất tốt. Có rất nhiều ý kiến được chia sẻ, nhiều dự án được đưa ra. Những kết quả của các hội thảo, hội nghị, tọa đàm đó cũng là những bước tiếp theo để thực hiện, triển khai các dự án đề nghị, chứ không phải chỉ là chia sẻ suông.

Tôi mong rằng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao có thêm nhiều chương trình hữu ích hơn để kết nối đâu đó số lượng 4,5 triệu kiều bào trên toàn cầu với quê hương. Thông qua sự giao lưu ở trong nước, các doanh nhân kiều bào được cập nhật những thông tin đúng, các chính sách, nghị định. của Đảng, Nhà nước kịp thời. Điều chúng tôi mong muốn là cần có thêm thông tin tốt, truyền thông tốt, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới để các kiều bào trở về với tâm thế tự tin, được ghi nhận và sẵn sàng đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước phát triển bền vững.

Xin cảm ơn anh!

Hà Linh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận