Chịu khó học hỏi, tìm tòi sáng tạo cùng khát vọng nâng cao giá trị cho các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, những cô gái ở Đăk Lăk đã mạnh dạn thực hiện nhiều ý tưởng kinh doanh. Từ đó tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang bản sắc địa phương và đã có mặt ở nhiều thị trường được khách hàng đánh giá cao về chất lượng...
Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mọi đối tượng khách hàng. Nắm bắt được xu thế đó, chị Phạm Thị Thu Hằng ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, người sáng lập ra thương hiệu Pam’s, đã dành nhiều tâm huyết để bào chế ra các loại mỹ phẩm được chiết xuất từ những đặc sản của Tây Nguyên như: cà phê, chanh dây, sáp ong, đặc biệt dầu quả bơ.
Hiện nay, Pam’s đã có 5 dòng sản phẩm đặc thù là mỹ phẩm thiên nhiên phục vụ chăm sóc sắc đẹp. Mỗi dòng lại có nhiều loại khác nhau chuyên biệt cho từng loại da, từng sở thích và mục đích sử dụng của khách hàng. Nêu lý do sử dụng dầu quả bơ làm mỹ phẩm, chị Phạm Thị Thu Hằng chia sẻ: “Ở tỉnh Đăk Lăk khoảng 3 năm trở lại đây có khoảng 1.000ha bơ được trồng lên. Tôi không muốn sẽ phải nhìn thấy cảnh giải cứu quả bơ trong tương lai giống như những loại nông sản khác. Vì vậy, tôi muốn mở ra một hướng đi mới cho quả bơ đặc sản địa phương để có thể phát triển thành nhiều sản phẩm tốt hơn và nâng cao giá trị của quả bơ, cho quả bơ một hướng đi khác trong tương lai”.
Còn với chị Vũ Thị Kiều Oanh, ở xã Krông Jing, huyện M Drăk, lại xác định con đường khởi nghiệp chính là từ mảnh vườn nhà. 2 năm trước, chị quyết định đầu tư cải tạo 400m2 đất vườn, xây dựng nhà lưới để trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP… Vượt qua những khó khăn ban đầu như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kiên trì vừa làm vừa học hỏi, đến nay, chị đã thành lập được Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp sạch Kiều Anh Farm. Mỗi ngày Kiều Anh Farm cung cấp khoảng 30kg rau sạch các loại ra thị trường. Mỗi ký rau có giá từ 40.000 - 60.000 đồng (tùy thời điểm), cao hơn giá rau thông thường từ 10 - 20%.
Chị Vũ Thị Kiều Oanh cho biết, hướng phát triển của công ty trong thời gian tới: “Hiện tại chúng tôi đang ấp ủ một kế hoạch lớn hơn là sẽ thành lập ra 1 Farm du lịch tại địa phương của mình. Qua Farm du lịch này mọi người sẽ hiểu hơn về nông nghiệp sạch là như thế nào và tại sao Kiều Anh Farm lại khởi nghiệp từ vùng quê nghèo khó. Khởi nghiệp từ nông nghiệp tại địa phương không khó chỉ cần bạn có quyết tâm hay không. Từ đó mang tới giá trị cao hơn cho nông sản địa phương”.
Cũng với khát vọng làm giàu từ những nguyên liệu sẵn có của quê hương, chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột đã bỏ công việc ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh, về Đăk Lăk mở xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ từ gỗ tái chế mang tên VietArt. Các sản phẩm của VietArt được khách hàng ưa chuộng bởi tính mỹ thuật, sự hữu ích và thân thiện với môi trường. Không chỉ tự thiết kế, VietArt còn thực hiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Đến nay, các sản phẩm của VietArt đã vươn ra thị trường Nhật Bản và Pháp. Đặc biệt, khi phong trào chống rác thải nhựa được đẩy mạnh, các sản phẩm ống hút tre, thìa, muỗng, nĩa gỗ ngày càng được nhiều người tìm mua.
Nhìn lại con đường khởi nghiệp của mình, chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến khẳng định: “Khởi nghiệp ở địa phương, tôi nghĩ đây là một sự ưu ái và rất thích hợp. Về nguồn nguyên vật liệu, ở Đăk Lăk có nguồn nguyên vật liệu rất dồi dào. Những cành cây khúc củi mình cũng có thể tái chế để tạo ra những sản phẩm hữu ích. Thứ 2, được sự hỗ trợ hướng dẫn của những người đi trước các anh chị trong hội doanh nhân và những anh chị trong ban tư vấn khởi nghiệp đã định hướng và đưa ra cho tôi rất nhiều sự đánh giá góp ý rất hữu ích để những người khởi nghiệp như tôi có định hướng rõ ràng hơn.
Những thành quả bước đầu đã tiếp thêm động lực, sức mạnh để các cô gái Đăk Lăk thực hiện khát vọng phát triển sản phẩm mang bản sắc địa phương vươn ra thị trường rộng lớn./.
Hương Lý/VOV-Tây Nguyên