Ngói màu nuôi trí lớn
Sau tốt nghiệp đại học, chị Nguyễn Thị Khuyên, sinh năm 1983, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái về làm việc cho một nhà máy xi măng trên địa bàn. Với đồng lương tháng ít ỏi, chỉ trên dưới 3 triệu đồng, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi chị lập gia đình, hai con lần lượt chào đời.
Trước những vất vả lo toan, cứ hết giờ làm, chị Khuyên lại đạp xe đi khắp thành phố Yên Bái xem mọi người thiếu gì, cần gì để cùng chồng tìm cách cung cấp, kiếm chút đồng ra, đồng vào nuôi con.
Đầu năm 2018, nhận thấy nhu cầu dùng ngói trong xây dựng ở Yên Bái và các tỉnh lân cận ngày càng cao, với kiến thức có được trong những năm làm việc tại nhà máy xi măng, cùng với sự hỗ trợ của Đề án “Phụ nữ khởi nghiệp”, “Thanh niên khởi nghiệp”, chị Khuyên đã vay mượn được 3 tỷ đồng để mở Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh ngói màu không nung Nasaki theo công nghệ ép ướt, không tạo ra khí thải của Nhật Bản. "Tôi đã mất cả năm trời đi đến các nhà máy sản xuất ngói màu cao cấp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để trực tiếp tìm hiểu và nghiên cứu các tài liệu về quy trình sản xuất của Nhật Bản, tìm công nghệ, học hỏi kinh nghiệm... Được chứng kiến quy trình sản xuất ngói màu không nung hiện đại, tôi càng khao khát có được một nhà máy với dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm ngói chất lượng thân thiện với môi trường” - chị Khuyên cho biết.
Mới thành lập, thị trường chưa có, sản xuất chưa vào ổn định, một số người làm cùng và những công nhân quen việc đều bỏ ra đi. Đứng trước khó khăn đó, chị Khuyên không nản chí, quyết tâm theo đến cùng con đường đã chọn.
“Tôi luôn nghĩ là không có con đường cùng, nếu như mình quyết tâm đi tới tận cùng đam mê thì chắc chắn sẽ thành công”.
Chị Nguyễn Thị Khuyên.
|
Với phương châm “Chậm mà chắc, luôn giữ chữ tín với khách hàng”, hoạt động sản xuất, kinh doanh của chị Khuyên dần đi vào ổn định. Chỉ sau hơn 2 năm, sản phẩm ngói màu không nung Nasaki đã vươn ra nhiều tỉnh, thành. “Tôi luôn nghĩ là không có con đường cùng, nếu như mình quyết tâm đi tới tận cùng đam mê thì chắc chắn sẽ thành công” - chị Nguyễn Thị Khuyên tâm sự.
Hiện nay nhà máy của chị Khuyên sản xuất ra hơn 2 triệu viên/năm với trên 3.000 màu khác nhau, được khách hàng rất ưa chuộng. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng/người. Với sự cố gắng của mình, chị Khuyên được Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2018”; Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và an sinh xã hội của tỉnh năm 2019.
300 nghìn đồng khởi nghiệp và khối tài sản hàng chục tỷ
Chị Hoàng Kim Liên, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái khởi nghiệp chỉ với hơn 300 nghìn đồng tích cóp từ nhiều năm. Nhiều năm trôi qua, từ một quầy hàng tạp hóa nhỏ với vài gói muối, mì chính, đến giờ chị Liên đã có một cửa hàng thương mại tổng hợp với giá trị hàng hóa lên đến 10 tỷ đồng và khối tài sản, đất đai vài chục tỷ đồng. Chị Liên chia sẻ, để có được như ngày hôm nay, cả chục năm liền chị phải cố gắng rất nhiều để vừa phát triển kinh doanh, vừa làm tốt vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ.
Đến nay, dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng chị Liên vẫn tiếp tục phát triển thêm mô hình kinh doanh tổng hợp của mình. “Tới đây cửa hàng có kế hoạch mở rộng, đó là tầng 3 mở khu vui chơi cho thiếu nhi; tầng 4 mở câu lạc bộ Yoga. Khách hàng đông lên thì thu nhập của chị em làm trong cửa hàng càng tăng, và tạo ra việc làm cho các chị em khác” - chị Liên cho biết.
Hiện cửa hàng của chị Liên tạo việc làm ổn định cho 11 chị em với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng và đóng góp ngân sách địa phương khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Theo các nhân viên làm việc ở cửa hàng, tất cả đều được đóng bảo hiểm xã hội, được chị Liên quan tâm như những chị em trong nhà. Do đó, người ít nhất cũng đã hơn 6 năm, người nhiều là trên 15 năm gắn bó cùng chị. “Tôi và tất cả các chị em đều nghĩ gắn bó ở đây là cái may mắn, vì ngoài chuyện lương thưởng ra chính là tình cảm, và sự sẻ chia” - chị Phạm Thị Sen, nhân viên kế toán cho biết.
Khuyến khích, đồng hành cùng chị em khởi nghiệp
Chị Khuyên, chị Liên chỉ là hai trong số hàng nghìn mô hình kinh tế do chị em phụ nữ ở Yên Bái làm chủ, hoạt động hiệu quả cao.
Được biết hằng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tỉnh Yên Bái tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho hàng nghìn chị em phụ nữ; hỗ trợ về vốn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cho các hội viên... Riêng trong năm 2019, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập được 9 hợp tác xã; 5 doanh nghiệp và hơn 300 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, tạo ra việc làm cho hàng nghìn người với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Bà Hà Thị Đóa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, Hội đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể và tổ chức tuyên truyền đến các hội viên, nhất là các hội viên có điều kiện về kinh tế để thành lập nên các mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, các trường đại học, học viện tập huấn cho các chị em có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác...
Kiên cường, đảm đang, chị em phụ nữ ở miền núi Yên Bái đã và đang nỗ lực, mạnh dạn vươn lên trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, quê hương./.