Cùng với cả nước bước vào giai đoạn cam go chống dịch bệnh Covid-19, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, những chiến sĩ áo xanh, áo trắng trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch nơi mảnh đất cực Tây Tổ quốc - Điện Biên vẫn luôn sẵn sàng, vững vàng với tinh thần quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, tận tâm chăm lo cho đồng bào từng bữa ăn, giấc ngủ tại những khu cách ly y tế.
“Canh đêm” đón đồng bào về nước
Nhập nhoạng tối, những cuộc điện thoại dồn dập đổ về máy của Y sỹ Vũ Ngọc Cương, Tổ trưởng Khu cách ly Bệnh xá Quân y 40 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) thông báo số lượng đồng bào từ Lào nhập cảnh về nước trong đêm có thể sẽ tăng đột biến, cao gấp 10 lần so với mọi hôm. Không chút lo lắng, Y sỹ Cương bình tĩnh hỏi những người đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ tiếp nhận công dân tại tuyến đầu Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cụ thể có bao nhiêu trường hợp đặc biệt về sức khỏe, đang có biểu hiện cúm, ho, sốt, hay số trẻ em, người già, phụ nữ mang thai là bao nhiêu người? Thông tin cẩn thận được ghi chép lại chi tiết vào cuốn sổ tay luôn mang bên người và trước khi cúp máy anh cũng không quên nhắc đồng đội “Trời tối, đường dốc cao, nhiều cua, lắm vực sâu, anh em cho xe di chuyển đưa đồng bào về cần hết sức cẩn thận!”.
Cuộc đàm thoại vừa dứt, ngay lập tức những thông tin này được cấp báo tới tổ hậu cần để chuẩn bị thêm cơm, giường ngủ, tăng đủ số lượng chăn màn và các tư trang cá nhân cho các công dân Việt Nam từ Lào sắp được đưa về cách ly y tế tập trung tại đơn vị. Anh Cương cho biết, mình phải luôn chủ động nắm trước tình hình sức khỏe của những trường hợp đặc biệt, từ đó bố trí khu vực cách ly phù hợp cũng như tiện theo dõi và chăm sóc sức khỏe của đồng bào.
Gần hai giờ sau cuộc điện thoại báo trước, chiếc xe quân dụng chở hơn 100 công dân từ bên kia biên giới nhập cảnh về nước qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang về đến sân bệnh xá. Mọi người trên xe được yêu cầu nhanh chóng đi xuống, phân hàng thẳng lối để làm các thủ tục tiếp nhận, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Buổi tiếp nhận trong đêm đặc biệt hơn vì có sự xuất hiện của 4 trẻ nhỏ và một số thành viên trong cùng gia đình. Những tiếng thở dài trong đêm, những ánh mắt trầm tư vì lo lắng của mọi người nhanh chóng được xua đi bởi sự ân cần của các y bác sỹ và những chiến sỹ thực hiện công việc tiếp nhận công dân ban đầu. Dưới ánh đèn cao áp, lần lượt từng người được kiểm tra đo thân nhiệt, khai báo y tế chi tiết, sau đó sát khuẩn tay, đeo khẩu trang rồi nhanh chóng mang hành lý di chuyển theo các chiến sỹ được phân công nhiệm vụ đến khu cách ly đã được chuẩn bị đầy đủ chiếu đệm, chăn màn.
Sau vài phút phổ biến nhanh chóng quy định chung bắt buộc phải thực hiện tại khu cách ly để bà con nắm được và phối hợp thực hiện, những suất cơm tối “muộn nhưng không nguội” chuẩn bị chu đáo bày trí ngon mắt, đảm bảo dinh dưỡng nhanh chóng được trao đến tận tay từng người. Sau một hành trình dài vất vả trở về quê hương, cầm trên tay hộp cơm ấm nóng tình quân – dân ai nấy cũng đều cảm thấy ấm lòng và yên tâm trải nghiệm cách ly 14 ngày tại một môi trường quân đội đặc biệt.
Sự hy sinh thầm lặng
Những ngày này điều dưỡng Đoàn Tuấn Hải - Y sỹ Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ được tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Khu cách ly Bệnh xá Quân y 40 luôn để chuông báo thức lúc 4 giờ sáng. Bật dậy khỏi chiếc giường êm ấm, việc đầu tiên anh làm là cầm chổi vệ sinh sạch sẽ dãy nhà A khu cách ly của bệnh xá, sau đó chuẩn bị đầy đủ tư trang y tế để đi kiểm tra sức khỏe của những người đang được cách ly. Chiếc bình phun phòng 17kg đổ đầy thêm 20 lít nước thuốc nặng vừa đúng bằng nửa trọng lượng cơ thể được anh xếp ngay ngắn trên bàn để sau khi thăm khám sẵn sàng khử khuẩn lại toàn bộ khuôn viên.
Là một trong số những điều dưỡng có mặt từ ngày đầu khi Bệnh xá Quân y 40 được cải tạo thành khu cách ly y tế tập trung, anh Hải chia sẻ: trước khi chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa thành phố Điện Biên Phủ từ năm 2010 đến nay, anh đã có một khoảng thời gian được rèn giũa và phục vụ trong môi trường kỷ luật của bộ đội biên phòng. Nên khi được phân công về nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid -19 anh rất vững tin là mình luôn làm tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Gần nửa tháng thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, chỉ lúc nghỉ ăn cơm anh Hải mới có thời gian tranh thủ điện thoại về hỏi thăm tình hình ở nhà, sức khỏe vợ con. “Mỗi cuộc điện thoại chỉ chóng vánh khoảng 5-7 phút nên chỉ kịp dặn các con bảo ban nhau, đứa lớn phụ mẹ chăm đứa bé. Rồi động viên vợ vì cô ấy đang phải gồng lên thay mình chăm sóc 3 con nhỏ. Thời gian công tác của cô ấy ở huyện Yên Châu (Sơn La) cũng rất bận, nhưng hàng tuần vẫn lặn lội đi liên tục gần 200km về nhà tại xã Sam Mứn (huyện Điện Biên). Bà nội, bà ngoại tuổi đã cao, mắt kém, đi lại cũng khó khăn, một tay vợ thăm hỏi, chăm sóc. Hai chị gái vì sức khỏe quá yếu, không thể lao động nuôi sống bản thân nên vợ chồng anh Hải cũng đón về chăm sóc luôn. Nhưng xác định rằng trong lúc xã hội đang cần mình thì hy sinh một chút niềm riêng cũng là điều hạnh phúc, càng khó khăn thì mình càng tin tưởng sẽ vượt qua”.
Xin được ở lại!
Đến hiện tại, tỉnh Điện Biên vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận xã hội đã xuất hiện một số thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho nhiều người. Còn nhớ, cách đây không lâu, trường hợp của công dân N.T.D cư trú tại thành phố Điện Biên Phủ từng có mặt trên chuyến bay SQ176 từ Singapore về Việt Nam được Bộ Y tế thông báo có bệnh nhân ca bệnh bị nhiễm Covid-19, đề nghị những người từng tiếp xúc chủ động khai báo y tế và cách ly. Dù đã chủ động khai báo y tế, đến khu cách ly, tuy nhiên sự kỳ thị, dò xét của cộng đồng khi ấy cũng đã khiến chị D không khỏi hoang mang, lo lắng.
Trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho D tại Bệnh xá Quân y 40, điều dưỡng Đoàn Tuấn Hải cho biết: những ngày đầu D rất lo lắng và có phần bức xúc vì dịch bệnh mà khiến cô phải đi cách ly, bị mọi người xa lánh, kỳ thị. Thời gian đầu D không giao tiếp với bất kì ai, kiệm lời với cả điều dưỡng chăm sóc sức khỏe y tế cho mình. Tuy nhiên nắm bắt tâm lý bệnh nhân, qua những lần thăm khám sức khỏe anh đã chủ động hỏi han, động viên tinh thần và đặc biệt sau những lần xét nghiệm cho kết quả âm tính khiến D đã cởi mở hơn, hòa đồng với mọi người trong khu cách ly.
Thời gian gần đây, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên đã chủ động phương án di chuyển quân số, nhường nơi ở của cán bộ chiến sỹ 4 đơn vị gồm: Trường Quân sự tỉnh, Bệnh xá Quân y 40, Đại đội 20 Trinh sát và Trung đội 18 thông tin để cải tạo thành nơi nghỉ và đón người hàng trăm công dân Việt Nam từ Lào về cách ly y tế tập trung.
Chị Lường Thị I, người dân huyện Điện Biên đang cách ly tại Bệnh xá Quân y 40 chia sẻ: những ngày cách ly tại bệnh xá, chị luôn được các y, bác sĩ quan tâm, chăm sóc sức khỏe tận tình. Mọi người rất yên tâm và hài lòng về những bữa ăn hàng ngày do cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị. Những suất ăn phong phú, đảm bảo chất dinh dưỡng cùng sự chu đáo của cán bộ khiến chị và các công dân khác rất cảm động. “Có người nhận thông báo sắp hoàn thành thời gian được cách ly y tế tập trung nhưng họ bày tỏ mong muốn đơn vị tạo điều kiện cho ở lại thêm mấy hôm. Vì họ cho biết chưa yên tâm về sức khỏe cũng như chưa muốn về nơi cư trú ngay lúc này vì sợ bị kỳ thị, xa lánh của cộng đồng”.
Những bữa cơm ngon ấm nóng, sự chăm sóc tận tình chu đáo đối với đồng bào xa xứ về nước trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng, chống dịch như chống giặc” này đã thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm và tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ những người đang ngày đêm đang âm thầm đứng đầu tuyến chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 để mọi người được sớm trở về gia đình./.