Nhà Xuân và bác sĩ Việt kiều Pháp

Bác sĩ Việt kiều Pháp Trần Tiễn Chánh đỡ đầu cho nhà tình thương 'Gia đình số 4' từ 30 năm nay. Ông là người đã đề nghị đặt tên cho ngôi nhà này là "Nhà Xuân".

 

Câu chuyện về bé Xuân

Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng được thành lập năm 1991, nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi, trẻ lang thang không nơi nương tựa… Trung tâm này có 4 nhà tình thương đánh số 1,2,3, nhưng nhà số 4 lại có tên riêng là “Xuân”. “Nhà Xuân” hình thành từ một câu chuyện cảm động từ thực tế, cũng là nơi coi trọng sự tự tế trong quá trình nuôi dưỡng những đứa trẻ “bụi đời”.

Ngôi “Nhà Xuân” nằm ở cuối một con hẻm nhỏ ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trên tường nhà, ngay lối vào là tấm biển được viết bằng tiếng Pháp Maison de Xuan, có ý nghĩa Nhà Xuân (món quà cho trẻ em). Tấm biển khiêm nhường đã nằm trên bức tường này từ năm 1994 đến nay. Cũng trong gần 30 năm ấy, Nhà Xuân trở thành mái nhà cho 200 đứa trẻ lang thang, mồ côi... Nhà Xuân hiện là nơi nương náu của 20 đứa trẻ khỏi cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia. Em nhỏ nhất vừa mới vào được 4 tháng, ghẻ chốc đầy người. Đứa lớn nhất là Dũng, năm nay 18 tuổi, đang học lớp 12.

Nhà Xuân là nơi đã nuôi dưỡng 200 trẻ mồ côi thành người.Dũng kể: "Do ở đây từ nhỏ nên con xem đây như là gia đình của mình. Nếu không có mái ấm Xuân này thì con sống cuộc đời lang thang, không biết bây giờ như thế nào nữa. Ba mẹ con mất, bà nội con nuôi con không nổi nên gửi con vào đây. Bố Chánh là người hiền lành, thương bọn con, lo cho bọn con từng li, từng tí Dịp cuối năm, bố Chánh về tặng quà chúc mừng năm mới bọn con".

Bố Chánh trong câu chuyện mà cậu bé mồ côi tên Dũng ở Nhà Xuân vừa nhắc đến là bác sĩ Việt Kiều Pháp - Trần Tiễn Chánh. Những đứa trẻ lớn lên ở đây đều thương người bố ấy cho dù thỉnh thoảng ông mới về thăm nhà.

Bác sĩ Trần Tiễn Chánh sống ở Pháp từ nhỏ. Đến năm 1992, khi hơn 40 tuổi và thành đạt trên đất khách quê người, ông về nước thăm quê cha đất tổ. Một buổi trưa, trên chuyến phà từ TP. Hải Phòng đi Cát Bà, ông hỏi mua một chiếc quạt tay từ một cô gái nhỏ để xua đi cái nắng nóng. Ông rút tờ tiền giấy 10.000 đồng trả cho cô bé bán hàng rong, trong khi chiếc quạt giấy chỉ có giá 500 đồng. Cô bé không có tiền trả lại thì được nghe ông bảo: “Con cứ cầm luôn tiền thừa". Thật bất ngờ, cô bé nhẹ nhàng từ chối: “Cháu đi bán quạt chứ không ăn xin, bác ạ!”…

Tấm biển gắn trên bức tường này từ năm 1994.

Trưa hôm ấy, trong lúc chờ phà, bác sĩ Chánh ăn đĩa cơm gánh bên đường. Ông rút thêm 10.000 đồng nữa trả cho cụ già bán cơm. Ông lại nhận thêm một lời từ chối: “Ông cứ giữ lại tờ tiền đó đi. Đĩa cơm chỉ có 6.000 đồng, tiền cái quạt 500 đồng, và đây là 3.500 đồng tiền thừa con bé nhờ tôi gửi lại ông!”. Bà cụ miệng nói, tay dúi số tiền thối lại cho vị bác sĩ Việt Kiều nói tiếng Việt không sõi. Ông Trần Tiễn Chánh đã quá bất ngờ bởi việc làm tử tế của cô bé nhưng không thể tìm được cháu bán quạt giữa dòng người đông đúc. Hỏi những người quanh đó, ông nghe họ bảo tên cô bé ấy là Xuân.

Hành xử của Xuân đã làm thay đổi cái nhìn của ông về quê hương Việt Nam. Khi về Pháp, biết Đà Nẵng có một trung tâm nuôi dưỡng những đứa trẻ đường phố, trẻ mồ côi, bác sĩ Trần Tiễn Chánh đã quyết định xây tặng một ngôi nhà, tài trợ toàn bộ việc nuôi dưỡng khoảng 30 đứa trẻ thiếu may mắn cho đến khi trưởng thành. Ông Trần Tiễn Chánh đề nghị được lấy tên ngôi nhà ấy là “Nhà Xuân – Les Enfants De La’venir - (món quà cho trẻ em)” để ghi nhớ một hành động tử tế của một đứa trẻ mà ông bắt gặp khi trở về quê hương Việt Nam.

Mong cuộc sống có ý nghĩa

Bác sĩ Chánh cho biết: "Cuộc gặp gỡ tình cờ với bé Xuân ngày đó đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Chuyện đó tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của tôi. Trở về Pháp, tôi tập hợp bạn thân và những người khác, thành lập Hội Xuân để quay về giúp trẻ em đường phố ở Việt Nam. Tôi suy nghĩ làm thế nào để cuộc sống có ý nghĩa. Hành động của bé Xuân làm tôi hiểu là trong mỗi người đều có sự tử tế. Và bé Xuân cũng làm tôi hiểu là trong tôi cũng có sự tử tế".

Bác sĩ Trần Tiễn Chánh với gia đình Nhà Xuân năm 1995.

Từ việc làm giản dị của bé Xuân đã mang tới sự ra đời của Nhà Xuân sưởi ấm những phận đời những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Mẹ Hiền và các mẹ ở Nhà Xuân dạy những đứa trẻ mồ côi ở đây “đói cho sạch, rách cho thơm”, phải biết ơn người giúp mình và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Mẹ Hiền kể, trong số các cháu đã trưởng thành ra khỏi mái nhà Xuân có em Lê Thị Hiệp được bố Chánh đưa sang Pháp học tập, lập gia đình, sinh con. Mang ơn những người đã cưu mang mình, Hiệp cũng thường gửi tiền và quà về giúp Nhà Xuân nuôi các em nhỏ. Điều mà mẹ Hiền và mọi người cảm thấy hài lòng là từ chỗ lang thang, cơ nhỡ nay các em đã biết sống tốt và giúp đỡ người khác, biết hướng tới những việc làm tử tế, có ích cho đời.

Lê Thị Diễm, một đứa trẻ mồ côi được nuôi ở nhà Xuân nay đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại Đà Nẵng. Diễm bày tỏ: "Trong 4 năm học đại học, em đã quay lại dạy tiếng Anh cho mấy em. Tốt nghiệp đại học, em làm cho những công ty nước ngoài. Em thường tham gia những tổ chức thiện nguyện để quay lại giúp đỡ cho mấy em. Bởi em là đứa trẻ kém may mắn nên em cũng muốn giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn như em".

"Vậy bài học lớn nhất mà em nhận được từ các mẹ và bố Chánh là gì?
Dạ! lòng thương người và sự tử tế" - Diễm nói.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận