Theo chân nhóm phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Việt Nam tại Pháp đi tìm tư liệu viết bài nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào Việt Kiều tại Pháp, tôi tìm đến căn hộ nhỏ nằm trong một con ngõ rêu phong, gần khu Cảng cổ (Vieux-Port) tại thành phố cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Đúng như tên gọi mà người ta đã đặt cho, thành phố Marseille vốn đã lâu đời, khu vực Cảng cổ lại càng thêm cổ kính. Những ngôi nhà san sát, được xây dựng cách đây đã khoảng 2 thế kỷ, những bức tường, nền gạch đã nhuốm màu thời gian.
Đón tiếp chúng tôi là người phụ nữ dáng người nhỏ bé, bước đi chậm rãi với giọng nói trầm ấm. Đó là bác Trần Thị Sâm, một người Việt đã sinh sống tại Marseille từ suốt 60 năm qua. Sinh năm 1935 tại Nam Định, bác Sâm lập gia đình cùng bác trai Nguyễn Văn Tiến tại Việt Nam, có với nhau hai người con, trước khi theo chồng sang Pháp sinh sống từ năm 1958.
Tích cực tham gia các hoạt động của phong trào người Việt tại Pháp
Nói về bác Trần Thị Sâm, có lẽ không ai trong cộng đồng người Việt tại thành phố Marseille này không biết tới. Kể từ những ngày đầu đặt chân tới Marseille đến hôm nay, bác Sâm đã không ngừng tham gia các hoạt động của phong trào người Việt tại Marseille nói riêng, cũng như hoạt động của người Việt tại Pháp nói chung. Tiệm cơm "Hà Nội", nơi vợ chồng bác Sâm, bác Tiến kinh doanh thuận lợi, tạo dựng danh tiếng riêng, đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của không chỉ cộng đồng người Việt tại thành phố cảng này, mà còn là địa chỉ tin cậy của các đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta mỗi khi sang Pháp công tác trong thời kỳ gian khó. Hôm đó, chúng tôi thật may mắn, khi lại là những người được thưởng thức những món ăn thuần Việt, đơn giản nhưng thật ngon miệng trong bữa trưa mà bác Sâm một tay chuẩn bị, giống như công việc bác đã làm cách đây hàng chục năm.
Thế rồi, các câu chuyện xưa lần lượt trở lại. Trước mặt chúng tôi là những tập ảnh kỷ niệm mà bác Sâm cố gắng lưu giữ từ hàng chục năm qua. Bác vui mừng chỉ cho chúng tôi ảnh hai bác được chụp chung với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mỗi khi có đoàn công tác của ta sang Pháp, làm việc với Hội người Việt tại Marseille hay ghé thăm tiệm cơm "Hà Nội". "Đây là ông Mai Chí Thọ đang xuống hội quán", "Đây là ông Trương Tấn Sang", "Đây là ông gì, nhiều ông lắm mà tôi quên rồi"... Tuổi đã cao, không còn nhớ nổi hết những người mà mình đã gặp gỡ, đón tiếp, thế nhưng bác Sâm vẫn kể rành mạch cho chúng tôi những sự kiện mà bác được tham gia mỗi khi có hoạt động của Hội người Việt tại Marseille.
Trong những năm đất nước vẫn còn chiến tranh, khó khăn, gian khổ, bác Sâm tích cực vận động bà con tham gia các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tham gia vận động và đóng góp tài chính ủng hộ hoạt động trong nước. Hoạt động tích cực là vậy, bác Sâm đã không ít lần lọt vào tầm ngắm của cơ quan an ninh Pháp, nhiều lần nhận được giấy triệu tập của cảnh sát Pháp để tra hỏi về sự liên quan tới các hoạt động của người Việt tại Marseille, cũng như lý do nào mà các đoàn lãnh đạo Việt Nam sang Pháp đều ghé thăm tiệm cơm "Hà Nội".
Mặc dù lo ngại việc tham gia biểu tình hay hỗ trợ các đoàn công tác của ta sang Pháp có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của gia đình nhưng bác Sâm vẫn làm, đồng thời luôn có ý thức giữ gìn bí mật. Bác Sâm chia sẻ "mỗi lần biểu tình trước Tòa Đại sứ Mỹ, có phóng viên nước ngoài chụp ảnh, tôi đều ngồi xuống để không có trong ảnh. Nếu thấy ảnh, họ đóng cửa nhà tôi thì sao?", "Mỗi lần cảnh sát Pháp gọi lên, hỏi tại sao đoàn này đoàn kia sang lại cứ đến nhà tôi ăn cơm mà không ăn ở tiệm khác. Tôi trả lời rằng tôi bán lấy tiền trả thuế nhà nước, lấy lời (lãi) để nuôi con tôi. Tôi không làm chính trị. Nhưng họ biết là tôi có làm. Nhưng họ không khảo được vì hồi đó, ông Mai Chí Thọ sang ở nhà tôi, ông ấy dặn là nếu họ hỏi thì cứ nói như thế này, không bao giờ nói thêm. Và tôi đã nói đúng như thế".
Giáo dục truyền thống dân tộc cho con cháu
Bác Sâm và bác Tiến có ba người con, hai trai một gái, cùng nhiều cháu đang sinh sống, học tập và làm việc tại Marseille. Khi bác Tiến mất đi, mặc dù tuổi đã cao nhưng bác Sâm vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Marseille, đồng thời luôn căn dặn các con, cháu phải tham gia các hoạt động của người Việt, đặc biệt trong các dịp lễ, tết và giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc. Có một chi tiết mà sẽ là thiếu xót nếu chúng tôi không đề cập đến, đó là lòng tôn kính của gia đình bác Sâm đối với chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chỉ tay lên bức ảnh khảm trai độc đáo, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác Sâm bồi hổi kể lại "Năm 1973, khi về Việt Nam, tôi muốn tìm một bức ảnh của Bác Hồ để thờ. Tôi thấy một ông cụ làm một bức ảnh rất đẹp về Bác Hồ ở gần hồ Hoàn Kiếm, tôi hỏi mua nhưng ông không bán. Tôi nói nếu ông không bán thì ông cho cháu xin để cháu mang về thờ, vì bên Pháp không có. Tôi phải nài nỉ ba lần ông ấy mới chịu để cho".
Bức chân dung khảm trai đó đã được bác Sâm dùng làm ảnh thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt hàng chục năm qua. Cũng trong hàng chục năm đã qua ấy, ngày nào cũng vậy, bác Sâm lại đều đặn thắp hương lên ban thờ Phật, ban thờ tổ tiên và ban thờ Bác Hồ với lời khấn cầu "phù hộ cho dân tộc đi lên".
Ấm lòng vì đất nước phát triển
Với những đóng góp không nhỏ vào hoạt động của phong trào người Việt tại Pháp, gia đình hai bác Nguyễn Văn Tiến và Trần Thị Sâm đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Bác Nguyễn Văn Tiến được Đảng và Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến Hạng nhất năm 2001. Bác Trần Thị Sâm đã được về nước dự gặp mặt kiều bào tiêu biểu xuân 2019 và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác cộng đồng và hướng về quê hương, đất nước.
Đây là lần thứ 3 kể từ sau khi đất nước thống nhất, bác Sâm được trở về quê nhà. Chứng kiến những thay đổi của đất nước qua hàng chục năm qua, người Việt Kiều yêu nước đã 85 tuổi không khỏi thấy ấm lòng. "Tôi sướng nhất là về quê, nhà quê mình bây giờ khang trang lắm, đường sá không có bùn lầy mà bà con sống sung sướng hơn nhiều, không còn khổ nữa. Đất nước mình đi lên nhanh lắm. Tôi về kỳ này tôi vui lắm, bà con cuộc sống được ổn định hơn, đồng quê thanh bình, mình thấy cũng ấm lòng".
Trò chuyện cùng bác Sâm, chúng tôi cũng thấy ấm lòng vì biết rằng, vẫn luôn có rất nhiều người con xa xứ, luôn hướng về cội nguồn dân tộc, gìn giữ những giá trị truyền thống của người Việt giữa một xã hội có rất nhiều khác biệt. Tuy nhiên, thoáng qua trong tâm trí tôi là một nỗi lo rất thực tế, thế hệ đó đã cao tuổi, quy luật thời gian rồi cũng sẽ mang họ đi, liệu rằng các thế hệ trẻ ngày nay, sống trên nước Pháp này, có còn đủ tâm và sức để gìn giữ truyền thống đó? Lời tâm sự trước lúc chia tay của bác Sâm sẽ còn khiến chúng tôi suy ngẫm "Bà con Việt Kiều ở đây sống rất đùm bọc lẫn nhau, yêu thương nhau, có tinh thần hướng về đất nước, hướng về dân tộc nhiều hơn. Lớp trẻ bây giờ không còn được như thế hệ trước khiến cho phong trào của người Việt ở Marseille gặp nhiều khó khăn, khó khăn lắm, không giống như ngày xưa".
Huỳnh Điệp/VOV-Paris