Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển toàn cầu.
Đây là những mục tiêu đầy tham vọng nhưng bắt buộc phải thực hiện, nếu không muốn bị tụt hậu quá xa so với tốc độ phát triển của thế giới. Mục tiêu này đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy, thói quen, cách nhìn, cách nghĩ của từng bộ phận cấu thành nền kinh tế, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.
Kinh tế số là một trong 3 yếu tố làm nên công cuộc chuyển đổi số với 4 loại hình doanh nghiệp thành phần, gồm doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp bán hàng hóa hữu hình thông qua hệ thống thương mại điện tử, và doanh nghiệp bán dịch vụ thông qua những nền tảng công nghệ số. Nếu mỗi người dân một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng thông rộng thì 24 triệu hộ gia đình trong cả nước có thể trở thành 24 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào kinh tế số.
Đòi hỏi của thực tiễn chính là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong những ngành nghề đang áp dụng công nghệ cao như ngân hàng. Ngay cả trong lĩnh vực bị coi là "lạc hậu" như nông nghiệp, chuyển đổi số cũng đang được triển khai ở nhiều khía cạnh khác nhau, để hướng tới một nền nông nghiệp thông minh. Và thông tin về nỗ lực chuyển đổi số của các ngành, các doanh nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn.
Tuy nhiên, cũng như hoạt động kinh tế xã hội khác, sẽ rất nguy hiểm nếu như các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi số theo kiểu phong trào. Ồ ạt đầu tư, ồ ạt tập huấn, ồ ạt áp dụng mà không nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng kém hiệu quả, thậm chí ồ ạt dỡ bỏ những gì đã đầu tư, gây tốn kém, lãng phí. Đó là thực tế đã từng xảy ra ở nhiều chương trình, dự án.
Để ngăn ngừa tình trạng này, Bộ Thông tin và truyền thông đã đưa ra những giải pháp để tiết kiệm đầu tư cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan hành chính. Đó là mỗi cơ quan, tổ chức có thể thực hiện chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nền tảng, thay vì đầu tư công nghệ thông tin cho riêng mình thành thuê dịch vụ, dùng đến đâu trả tiền đến đấy. Thế nhưng, giải pháp này có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào cách nghĩ của người đứng đầu mỗi cơ quan, doanh nghiệp, và phải hạn chế được tình trạng lợi dụng "chuyển đổi số" để phục vụ nhóm lợi ích.
Chuyển đổi số cần được nhìn nhận như một yếu tố sống còn, chứ không nên là việc chỉ làm để "cho oai"./.