Ngày 16/11/2020, với 420/428 phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, Chính quyền địa phương ở TP.HCM gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố này là UBND quận. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố này là UBND phường. HĐND cấp quận và phường không còn vai trò trong mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM nữa.
Với cách tổ chức này, quyền lực sẽ được tập trung vào các đơn vị hành chính là UBND cấp phường, quận. Khả năng quyết định các vấn đề của đô thị tại cấp phường, quận sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, nhất là quyết định liên quan đến làm ăn kinh tế và các vấn đề xã hội.
“Chiếc áo chật hẹp” đang được cởi bỏ để tạo điều kiện cho thành phố này lớn nhanh hơn. Nhưng cách thức tổ chức chính quyền đô thị đòi hỏi phải có trách nhiệm cao trong từng quyết định, đặc biệt đặt ra yêu cầu rất cao đối với người đứng đầu. Chính vì vậy mà đồng thời với việc tập trung quyền lực, Nghị quyết của Quốc hội đã tính toán đến việc giám sát quyền lực thông qua lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể là ngoài nhiệm vụ quyết định dự toán thu ngân sách, giám sát và thực hiện Nghị quyết, HĐND thành phố còn có nhiệm vụ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Mô hình chính quyền đô thị được các đô thị lớn, đầu tàu về kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng mong muốn từ lâu, khi mà những quy định như Luật Thủ đô, cơ chế riêng cho TP.HCM… chưa đủ để kích thích sự phát triển, vẫn bị ràng buộc bởi thủ tục và cơ quan hành chính. Với việc từng bước tổ chức chính quyền đô thị, TP.HCM có điều kiện thông thoáng hơn để quyết định, triển khai những hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố, từ đó tăng GDP và tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Sở Tài chính TP.HCM cho biết: Dự toán thu ngân sách của thành phố này năm 2019 là gần 400.000 tỷ đồng, cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại (Tổng dự toán thu ngân sách của 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ năm 2019 là 365.900 tỷ đồng). Với việc triển khai chính quyền đô thị hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của thành phố, chúng ta kỳ vọng GDP cũng như thu ngân sách của TP.HCM sẽ cao hơn trong những năm tới./.