Số liệu báo cáo từ 56/63 địa phương được Bộ Xây dựng tổng hợp cho biết, trong quý III/2020, toàn quốc có 36.884 giao dịch bất động sản thành công, trong đó TP.HCM có 6.722 giao dịch, tăng 70,6% so với quý II, và Hà Nội có 2.966 giao dịch, tăng 119%. Giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân. Lượng giao dịch bất động sản cao cấp giảm so với quý trước. Lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý III/2020 bình quân trên cả nước tăng khoảng 10 - 25% so với quý II nhờ các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Đáng chú ý là sau 2 quý đi ngang, giá bất động sản phân khúc trung cấp quý III/2020 có chiều hướng tăng khoảng 20% so với năm 2019, và tăng 30% so với năm 2018. Các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp mới để tiếp cận khách hàng, thay đổi chiến lược hoạt động để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở các địa phương.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Thời điểm này khách hàng chỉ lựa chọn sản phẩm thanh khoản cao và có giá trị thực, bao gồm yếu tố thương hiệu chủ đầu tư, pháp lý dự án, cam kết đầu tư phát triển dự án bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và tiện ích phục vụ nhu cầu an cư, nhưng điều đó càng chứng minh sức hấp dẫn của thị trường bất động sản và hứa hẹn năm 2021 có thêm nhiều cơ hội đầu tư mới.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp băn khoăn là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn là mối đe dọa và kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc như hiện nay, giá bất động sản tăng liệu có phản ánh đúng thực chất cung cầu của thị trường hay đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ, thổi giá? Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, giá bất động sản tăng là hợp quy luật, bởi lẽ khi các kênh đầu tư khác chưa rõ yếu tố sinh lời (lãi suất ngân hàng giảm mạnh, giá vàng đang xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua, USD bấp bênh) thì việc nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư chắc chắn hơn là điều dễ hiểu. Theo một số khảo sát, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang chịu lỗ.
Tuy nhiên, quan sát kỹ diễn biến thị trường có thể thấy yếu tố tâm lý đóng vai trò không nhỏ. Một số lĩnh vực bất động sản được giao dịch qua kênh dân sự (thường là nhà ở đất ở đã qua sử dụng, mua bán sang tay) bị đẩy giá lên khi giá vàng tăng bởi tính toán của người bán với tương quan giá vàng.
Giá bất động sản tăng hay giảm phụ thuộc nhiều yếu tố, đồng thời cũng tác động đến nhiều yếu tố khác. Điều quan trọng là giải pháp quản lý hiệu quả, vì nếu không kiểm soát tốt sẽ xảy ra hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó” gây thiệt hại cho nhà đầu tư và bất ổn thị trường./.