Ngày cuối cùng của tháng 11/2020, giá vàng thế giới tiếp tục đà “lao đốc không phanh” khi mỗi ounce mất hơn 30 USD phiên 30/11, chốt lại tháng tệ nhất của vàng trong 4 năm qua. Chốt phiên 30/11, giá vàng thế giới giao ngay mất 32 USD, về 1.776 USD một ounce, và trong phiên giao dịch có thời điểm giá xuống đáy của 5 tháng qua với mức 1.764 USD/ounce. Như vậy, cả tháng 11/2020, giá vàng đã giảm 5,4% - mức giảm tệ nhất kể từ tháng 11/2016.
Thế nhưng, vàng mất giá trong thời điểm này lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác với những thời điểm trước đó, bởi nó là biểu hiện tích cực về diễn biến tâm lý của nhà đầu tư với niềm tin kinh tế thế giới sẽ hồi phục khi đã có vaccine Covid-19, mà trong đó đáng chú ý là chỉ số sản xuất tại Mỹ trong tháng 11 tăng nhanh nhất trong giai đoạn 3 năm. Nhờ niềm tin đó, các nhà đầu tư dần dần rời bỏ “chỗ trú ẩn” để tìm đến tài sản rủi ro hơn. Tuy nhiên, vẫn có những dự báo cho rằng giá vàng có thể tăng trở lại trong bối cảnh đôla Mỹ mất giá và các ngân hàng trung ương đều đưa ra mức lãi suất thấp.
Những thăng trầm của giá vàng thế giới cũng đã khiến các nhà đầu tư trong nước “méo mặt” khi đổ xô mua vàng vào thời điểm giá loanh quanh 60 triệu đồng/lượng. Kể từ đó đến nay, giá vàng liên tục trồi sụt nhưng không có giai đoạn nào vượt ngưỡng 57 - 58 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý là tăng giảm liên tục nhưng mấy tháng qua biến động giá vàng không trở thành yếu tố kích thích giá các mặt hàng thiết yếu khác, đồng thời cũng không tạo nên tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư và những người dân bình thường có chút tiền dư giả. Điều đó cho thấy đã có những biến đổi tích cực về mặt quan niệm cất giữ tiền của người dân cũng như hiệu quả của công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Người dân vẫn đủ tin tưởng để đầu tư vào các lĩnh vực khác được coi là ít ổn định hơn như bất động sản chẳng hạn. Đó cũng là lý do khiến giá bất động sản quý 3/2020 tăng khoảng 20% so với 2 quý đầu năm.
Tuy nhiên, để bình ổn thị trường, khống chế tỉ lệ lạm phát trong mức không tác động tiêu cực tới nền kinh tế, công tác phòng chống dịch càng phải chặt chẽ và nghiêm túc. Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, lao đao, có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm. Số liệu thống kê cho thấy có tới trên 90% số doanh nghiệp du lịch quốc tế đang gặp khó khăn hoặc ngừng hoạt động. Thiệt hại về kinh tế của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nặng nề hơn nếu như dịch bùng phát trở lại, hay nói như một Facebooker: “Một người chủ quan, cả làng nhịn đói”. Bởi vậy, càng về cuối năm, gần các dịp Tết nhất, lễ hội, người dân, doanh nghiệp càng không thể chủ quan, nỗ lực phát triển kinh tế phải song song với phòng chống dịch./.