Các chuyến thăm Trung Đông trong thời gian qua được xem là nỗ lực cuối cùng trong việc bảo vệ thành quả ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump suốt 4 năm qua tại khu vực "nóng" bậc nhất thế giới - nơi mà nước Mỹ có nhiều ảnh hưởng. Động thái này được đánh giá như một "nước cờ cuối" thể hiện quyết tâm tạo ra những điểm nhấn đáng chú ý trong chính sách của chính quyền ông Trump đối với khu vực này. Các nỗ lực đó nhằm ngăn chặn khả năng chính phủ kế nhiệm đảo ngược chính sách mà họ xây dựng suốt thời gian nắm quyền, đã được tiến hành trong nhiều tháng qua, ngay cả trước khi ông Joe Biden nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ.
Việc ông Trump nỗ lực củng cố di sản đối ngoại của Mỹ, nhất là tại khu vực Trung Đông, chắc chắn sẽ khiến ông Biden gặp khó trong việc tìm cách đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm, giống như ông Trump hay các thời Tổng thống Mỹ trước đây từng làm. Mặc dù việc ông Biden tìm cách đảo ngược một số chính sách của chính quyền tiền nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ bị đặt vào sự đã rồi và khó có thể nhanh chóng thay đổi được tình thế. Mặc khác, bản thân đảng Dân chủ vốn có truyền thống ủng hộ Israel, nên khả năng ông Biden đảo ngược các chính sách của ông Trump về Trung Đông và xây dựng nó trên một nền tảng mới là khá mờ mịt.
Các hoạt động liên tiếp của chính quyền ông Trump tại Trung Đông là nước đi có tính toán nhằm tiếp tục khẳng định các cam kết trong việc theo đuổi chính sách Trung Đông, và nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ chính sách của Mỹ đối với khu vực quan trọng này thời gian tới./.
Phạm Huân