EU hiện không chỉ trong tình trạng nội bộ rối bời bởi Hungari và Ba Lan dùng đặc quyền của thành viên phủ quyết việc thông qua ngân sách chung và giải ngân nguồn tài chính hỗ trợ các thành viên ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra mà còn phải giằng co với chính phủ Anh trong đàm phán về khuôn khổ quan hệ song phương sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit).
Trên phương diện này, cả EU lẫn chính phủ Anh đều phải chạy đua với thời gian bởi hai bên chỉ còn thời gian đến ngày 31/12/2020 để đạt được thoả thuận và hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết phê chuẩn thoả thuận ấy.
Hồi cuối năm ngoái, EU và chính phủ Anh đã đạt được thoả thuận về Brexit. Thoả thuận ấy dành cho phía Anh có thời gian quá độ một năm để đàm phán về khuôn khổ quan hệ song phương sau Brexit, mà cụ thể là đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên thay thế cho sự tham gia của Anh trước đây vào thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan của EU.
Thời kỳ quá độ này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Vì thế, những ngày tới là chặng đường cuối thật sự quyết định nước Anh ra khỏi EU không với bất kỳ thoả thuận nào với EU về khuôn khổ quan hệ song phương trong tương lai hay nước Anh ra khỏi EU với thoả thuận mới về khu vực thương mại tự do riêng với EU. Cũng vì thế mà thủ tướng Anh Boris Johnson phải cất công sang trụ sở EU tại Brussel để trực tiếp đàm phán với EU.
Sau khi giải quyết được ổn thoả vấn đề giao lưu thông thương giữa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland (do Anh quản lý), giữa EU và chính phủ Anh hiện còn tồn tại ba vấn đề khúc mắc lớn cần được giải quyết ở chặng đường cuối này.
Đó là EU yêu cầu phía Anh đảm bảo cho giới kinh tế của EU cạnh tranh bình đẳng ở Anh, vấn đề cơ chế xử lý những xung khắc lợi ích trong tương lai, và vấn đề hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh Anh. Hai bên sẽ còn cò cưa nhau đến tận phút cuối trước khi buộc phải đi vào nhượng bộ và thoả hiệp với nhau./.
Ngân Hà