Đại dịch Covid-19 tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia cũng như nhà đầu tư thế giới để chuyển dịch đầu tư. Chỉ tính riêng khối doanh nghiêp Nhật Bản, theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio, Việt Nam là thị trường hàng đầu trong đánh giá của doanh nghiệp Nhật và đã có 37 doanh nghiệp công bố muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, muốn chớp được cơ hội, Việt Nam cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn. Ví dụ như theo đại diện Aeon Mall Việt Nam, họ tốn nhiều thời gian làm thủ tục. Có dự án phải đợi hơn 1 năm để nhận được giấy đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là tình trạng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác. Bởi vậy, rút ngắn quy trình, đẩy nhanh thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Cùng với thủ tục hành chính, thuế cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài e ngại. Thủ tục hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn rườm rà và chậm trễ. Chẳng hạn trường hợp của Panasonic tại Việt Nam mang hàng đi xuất khẩu nhưng không làm được thủ tục hoàn thuế. Panasonic đang là tập đoàn chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam và sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất khẩu. Trên thực tế, những vướng mắc về thuế hoặc cách hiểu chưa đúng của doanh nghiệp cần được các cơ quan thuế giải thích rõ ràng và thuyết phục, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống chuyển giá, ngay cả trong bối cảnh Việt Nam rộng cửa chào đón làn sóng đầu tư mới.
Lĩnh vực cổ phần hoá, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được các đối tác quan tâm nhưng tốc độ còn chậm và theo đánh giá của một số doanh nghiệp là chưa đủ tính minh bạch, thiếu thông tin, đặc biệt là thiếu tài liệu bằng tiếng nước ngoài, quy trình chưa đúng chuẩn mực quốc tế.
Những vướng mắc này của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng không khác nhiều so với vướng mắc của các doanh nghiệp trong nước. Từ nhiều năm nay, khó khăn về thủ tục hành chính, thuế, đất sạch, minh bạch thông tin là những yếu tố cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Khắc phục những điểm yếu này, gần 5 năm qua, Chính phủ luôn luôn cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, muốn thực hiện một cách triệt để yêu cầu cải cách thì phải đẩy mạnh chuyển đổi số, bởi chỉ có đẩy nhanh chuyển đổi số ở tất cả các khâu mới có thể thúc đẩy giải quyết nhanh thủ tục hành chính, đảm bảo minh bạch thông tin và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư phát triển./.