Nhìn lại công tác tài chính năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói: "Năm 2020 vô cùng khó khăn, vất vả nhưng ngành Tài chính có thể ngẩng cao đầu". Có lẽ không phải chỉ riêng ngành tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế Việt Nam có thể ngẩng cao đầu, khi chúng ta đã trải qua một năm đầy khó khăn với đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới chao đảo, thiên tai liên tiếp, nhưng vẫn nằm trong nhóm rất ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương.
Những tháng cuối năm 2020, các định chế tài chính quốc tế liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam với niềm tin vào hiệu quả các biện pháp chống dịch mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB ước tính GDP Việt Nam tăng 2,3% thay vì 1,8% như dự báo trước đó. Tuy thấp hơn mục tiêu 2,5 - 3% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra cho cả năm 2020, nhưng việc ADB tăng mức dự báo cho thấy tổ chức này ghi nhận nỗ lực của Việt Nam đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tái thiết nền kinh tế sau đại dịch.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá, nhờ kiểm soát được Covid-19, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Còn vào tháng 10, Ngân hàng Thế giới WB dự báo: "Sự phục hồi kinh tế dường như đang được củng cố và trở nên sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3% năm 2020".
Đặc biệt, Hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh Brand Finance cho biết, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm 2020, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD, đồng thời từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance. Đây là một động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu trong năm 2021.
Điều quan trọng là Việt Nam cần dựa vào đâu để tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021? Theo phân tích của nhiều chuyên gia, trước hết vẫn là dựa vào nội lực với những thế mạnh sẵn có của Việt Nam như nông nghiệp, ngư nghiệp. Đại dịch càng khiến loài người phải coi trọng an ninh lương thực. Chẳng phải bỗng nhiên giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới. Nhưng việc xuất khẩu gạo Việt Nam cũng cần lộ trình bài bản và giải pháp ứng phó linh hoạt để vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa thu được ngoại tệ cho ngân sách. Tương tự, các mặt hàng nông - thủy - hải sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cần được áp dụng các tiêu chí chất lượng ngặt nghèo để xuất khẩu bền vững. Thứ hai là cần tận dụng cơ hội do các Hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, RCEP mang lại để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Thứ ba, cần cân đối cán cân thương mại và chính sách điều hành tiền tệ một cách hợp lý để gỡ bỏ nhãn dán “thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang gán cho Việt Nam. Nếu Chính phủ hai bên phối hợp tìm kiếm giải pháp mở cửa thị trường, điều chỉnh thặng dư thương mại thì đôi bên cùng có lợi./.