EU và Trung Quốc kết thúc quá trình 7 năm đàm phán về hiệp định đầu tư và ký kết được thỏa thuận về hiệp định này ngay trước khi năm cũ 2020 kết thúc và năm mới 2021 bắt đầu. Thỏa thuận này đánh dấu bước chuyển biến mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Việc đạt được thỏa thuận có ý nghĩa rất đặc biệt đối với EU và Trung Quốc vì 2020 là năm mà mối quan hệ song phương này không được yên bình và thuận lợi như trước đấy. Giữa EU và Trung Quốc trong năm qua đã có sự gia tăng rõ rệt mức độ bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích trong những vấn đề rất nhạy cảm về đối nội cũng như về đối ngoại đối với Trung Quốc là Hong Kong, Đài Loan, người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng cũng như mưu tính chiến lược và hành động cụ thể của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Trong nội dung cụ thể, thỏa thuận vừa đạt được này chưa đáp ứng hoàn toàn những yêu cầu mà hai bên cùng đặt ra. Nó mới chỉ đủ để chế tài chuyện hợp tác đầu tư giữa hai bên chứ chưa phải là một hiệp định bảo hộ đầu tư song phương. Việc giới doanh nghiệp của bên này được tiếp cận dễ dàng và thuận lợi hơn thị trường của bên kia được cả hai bên cam kết nhưng không có nghĩa là cạnh tranh công bằng và bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước trên mọi lĩnh vực được đảm bảo. Trung Quốc cam kết đảm bảo những tiêu chuẩn và tiêu chí về bảo vệ môi trường và điều kiện lao động trong khi EU gần như không đề cập yêu cầu đòi hỏi lâu nay về thực thi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc. Ở đây tiềm ẩn khả năng ký kết hiệp định là một chuyện còn thực hiện nó như thế nào lại là chuyện khác đối với cả hai bên. Một thỏa thuận không đầy đủ về nội dung và có chỉ vì cần có thường chỉ là giải pháp tình thế và tạm thời. Trung Quốc cần nó để ngăn EU hùa theo Mỹ bất lợi cho Trung Quốc. EU cần nó để tạo sự đã rồi tránh bị Mỹ gò ép vào liên quân cùng đối phó Trung Quốc. Hai bên đi bước ngắn trước, tính bước dài sau và tạm hoà hoãn chứ không hòa giải./.
Ngân Hà