Đã thành thông lệ, ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; và Nghị quyết 02 về Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Trong Nghị quyết 01, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với trọng tâm “Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”; tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí... để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không... Cùng với đó là “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế”.
Còn tại Nghị quyết 02, Chính phủ xác định tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết phá sản doanh nghiệp... đồng thời tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 01 và 02 chính là sự tiếp nối thành tựu của gần 35 năm đổi mới, đồng thời phát huy hiệu quả của những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã đem lại nhiều thành công và đưa đất nước tăng trưởng bình quân khoảng 6,5 - 7% suốt giai đoạn vừa qua. Ngay cả năm 2020, khi thế giới chìm trong đại dịch, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và nằm trong top có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Việc kiên trì theo đuổi mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, đồng thời điều chỉnh giải pháp phù hợp thực tiễn đã giúp Việt Nam cải thiện được vị trí trong các đánh giá của quốc tế. Bên cạnh đó, những điểm nghẽn và thách thức mới của nền kinh tế Việt Nam cũng đã được quan tâm sâu hơn như tính linh hoạt của chính sách tiền tệ hay tình trạng phụ thuộc một vài thị trường xuất khẩu... đồng thời nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số. Đây là những yếu tố căn bản quyết định tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” - vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế./.