Nước Anh là quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia Hiệp ước về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cho dù cả hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều không là thành viên của liên kết kinh tế này, việc nước Anh muốn tham gia CPTPP có ý nghĩa tích cực đối với CPTPP và tác động không hề nhỏ tới mối quan hệ hợp tác của Anh với hai nền kinh tế kia.
Nước Anh đang tìm kiếm đối tác hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cho thời kỳ sau khi ra khỏi EU (Brexit). Hồi cuối năm qua, chính phủ Anh và EU đã đạt được thoả thuận về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳ sau Brexit. Nhưng phía Anh vẫn cần đối tác hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mới trên thế giới để vừa bù đắp cho những tổn hại hay thua thiệt do Brexit đưa lại vừa giúp Anh có thể có được những nguồn lợi và lợi thế mới để chứng tỏ việc ra khỏi EU tốt hơn là tiếp tục ở lại trong EU đối với Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng và phát triển nước Anh trở thành "nước Anh toàn cầu" sau khi ra khỏi EU và phải ra khỏi EU để vươn tới mục tiêu ấy. Cho nên chiến lược của ông Johnson là vừa tìm kiếm các thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương với các đối tác vừa tham gia những liên minh hay liên kết hợp tác khu vực hay liên khu vực, châu lục về kinh tế, thương mại và đầu tư sẵn có trên thế giới như CPTPP.
Đương nhiên, phía Anh không thể không đặc biệt coi trọng Mỹ và Trung Quốc trên phương diện này nhưng thừa biết rằng với Trung Quốc sẽ rất khó khăn và mất thời gian trong khi với Mỹ cũng không hề đơn giản mà thời gian không chờ đợi nước Anh. Hơn nữa, bởi không thể loại trừ khả năng rồi có khi cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều có ý định tham gia CPTPP. Cho nên tham gia CPTPP thật sự lợi đơn ích kép trên nhiều phương diện đối với Anh trước mắt cũng như lâu dài./.
Ngân Hà