Đầu năm 2021, khi Covid-19 bùng phát làn sóng mới, đi đường ngó nghiêng hàng quán hai bên hè phố Hà Nội dễ dàng thấy “những cánh cửa đóng chặt” bên cạnh “những cánh cửa khép hờ”. Cũng như năm trước, những cánh cửa đóng chặt, những tấm biển “cho thuê nhà” sau Tết Nguyên đán Tân Sửu chưa có chiều hướng giảm.
Thực tế này cũng tương ứng với nhận định của IHS Markit - đơn vị khảo sát PMI (Purchasing Managers' Index - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng) - rằng niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm với lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo thống kê của IHS Markit, PMI của Việt Nam tăng từ 51,3 của tháng 1 lên 51,6 trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất mạnh lên trong ba tháng liên tiếp, với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đánh giá: “Sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng là những dấu hiệu tích cực, nhưng số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng mới đây dẫn đến tâm lý thận trọng". Theo IHS, niềm tin của các công ty tại Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, là lần gần nhất đại dịch bùng nổ với xuất phát điểm tại Đà Nẵng.
Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy các chi phí đầu vào tăng cao khi sản xuất khôi phục trở lại, nguồn nhân lực cũng bị xáo trộn, sản xuất bắt buộc phải lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất của đời sống và liên quan đến phòng chống dịch, nếu không muốn hàng hóa tồn kho, không tiêu thụ được. Mức tăng giá đầu vào vẫn nhanh hơn mức trung bình của lịch sử khảo sát mười năm qua. Cửa hẹp, nhiều chướng ngại vật chính là lý do khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cá nhân, thận trọng khi bỏ tiền vào sản xuất, kinh doanh.
Làm gì để khôi phục niềm tin kinh doanh?
Đây là mối quan tâm hàng đầu của cơ quan quản lý và những người quan tâm đến kinh tế. Bất kỳ sự thay đổi nào dù tích cực hay tiêu cực cũng sẽ tác động ngay đến đời sống của nhiều người. Bởi vậy, đối với đợt bùng phát dịch thứ 3 vào đầu năm nay, có thể thấy Chính phủ và chính quyền các địa phương đã rất thận trọng trong các phương án chống dịch để không gây quá nhiều xáo trộn không cần thiết lên đời sống kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Chỉ có Hải Dương phải giãn cách xã hội trong thời gian khá dài, các địa phương khác xuất hiện ca bệnh đều chọn giải pháp khoanh vùng, lựa chọn lĩnh vực cần kiểm soát, không đại trà như giai đoạn 1 vào tháng 4/2020.
Tuy nhiên, tác động của việc bùng phát dịch trở lại đầu năm 2021 cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến kinh tế, ít nhất là trong quý 1, có thể là 6 tháng đầu năm, thậm chí là cả năm 2021 nếu như chúng ta không kiểm soát tốt. Khôi phục niềm tin kinh doanh là việc buộc phải làm để duy trì sự phát triển kinh tế. Muốn làm được điều đó cần phải chống dịch một cách hiệu quả và linh hoạt, với sự tham gia, đồng lòng thực sự của người dân và doanh nghiệp, cùng nhau góp sức họa lên bức tranh kinh tế tươi sáng của năm 2021. Trong bức tranh ấy, “những cánh cửa đóng chặt” được mở ra đàng hoàng, nghiêm ngắn, chứ không phải thò thụt “khép hờ”./.