Cuộc gặp giữa đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và Chủ tịch Hội đồng hòa giải dân tộc cấp cao Abdullah Abdullah là một trong rất nhiều động thái đáng chú ý gần đây xung quanh tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Nội dung của cuộc làm việc này là việc chính quyền mới ở Mỹ đánh giá lại thỏa thuận hòa bình ký tại Doha năm ngoái giữa Mỹ và lực lượng Taliban, thúc đẩy tiến trình hòa bình thông qua vòng đàm phán nội bộ Afghanistan thứ 2 tại Doha, giảm bạo lực và cách thức để đẩy mạnh đàm phán và đạt được hòa bình lâu dài tại quốc gia Trung Nam Á này. Ông Khalilzad cũng có mặt tại Kabul, Doha và một số nước láng giềng của Afghanistan để thảo luận về bước đi tiếp theo nếu quân đội Mỹ và đồng minh hoãn kế hoạch rút lui khỏi Afghanistan. Đại diện Mỹ cũng có các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo của Taliban để bàn các khả năng mà hai bên có thể chấp nhận được.
Thời gian qua, Nga đã xúc tiến khá nhiều các sáng kiến ngoại giao đa phương nhằm thiết lập sự hòa giải ở Afghanistan, mục tiêu cuối cùng cũng là thúc đẩy hơn nữa ảnh hưởng về ngoại giao và chiến lược tại Afghanistan và cả khu vực Trung Nam Á một khi Mỹ phải thoái lui. Tuy nhiên, sự can dự ngày càng tăng của Nga tại đây chưa phải đã mang lại hiệu quả mong muốn.
Chính phủ Afghanistan đã tỏ ra không hài lòng khi Nga cố gắng thúc ép Kabul đàm phán trực tiếp với Taliban. Lý do là bởi nếu làm như vậy, chính quyền Afghanistan chẳng khác nào đã trao cho Taliban sự công nhận về chính trị lớn hơn. Một số ý kiến bình luận cho rằng chiến lược ngoại giao của Nga tại Afghanistan đang theo hướng đẩy vị thế của Taliban lên, khiến cho chính quyền Afghanistan khó chịu. Khó có khả năng Kabul sẽ đồng ý để Nga là nhà trung gian hòa giải thực sự chừng nào các nhân tố khác ví dụ như Mỹ vẫn còn muốn đảm đương vai trò này. Vì thế, rất có khả năng Kabul sẽ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán mà Mỹ chủ trì bất chấp việc Taliban tiếp tục tham gia vào các cuộc đối thoại do Nga dẫn dắt.
Phan Tùng/Từ New Delhi