Đối thoại 2045 giữa Thủ tướng với đại diện doanh nghiệp, trí thức đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể: đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao (GDP đầu người trên 12.535 USD). Mục tiêu đó có cơ sở, bởi Tập đoàn kiểm toán quốc tế PwC cũng đã dự báo rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới tính theo PPP (GDP quốc gia 3.176 tỷ USD và GDP đầu người 28.200 USD). Trước đó, CBER của Anh cũng dự báo năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á (tính bằng thời giá hiện tại chứ không phải tính theo PPP). CBER dự báo đến năm 2035 nền kinh tế Việt Nam sẽ có qui mô 1.539 tỷ USD, đứng thứ 19 thế giới.
Nhìn vào những gì chúng ta đã đạt được từ khi đổi mới đến nay có thể kỳ vọng rằng những đánh giá, mục tiêu đó là có cơ sở. Nếu lấy dấu mốc thời gian 25 năm thì năm 1995 GDP nước ta là 26,4 tỷ USD, đứng thứ 58 trên thế giới và thứ 6 Đông Nam Á với thu nhập bình quân đầu người 358,7 USD, đứng thứ 175/195, là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới. Năm 2020, GDP nước ta đã đạt 340,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á; GDP bình quân đầu người là 3.497 USD, đứng thứ 121/195 quốc gia. Khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển và đóng góp lớn, chiếm tỷ trọng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động.
Đặc biệt, năm 2020 còn ghi dấu thành tích chống dịch Covid-19 của Việt Nam khi được xếp hạng thứ 2 thế giới, chỉ sau New Zealand, thực hiện được mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế vừa chống dịch hiệu quả. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, kinh tế thế giới đình trệ.
Đó là những cơ sở vững chắc để đặt niềm tin vào mục tiêu “Đối thoại 2045”. Nhưng bên cạnh những việc làm được, kinh tế Việt Nam còn nhiều lực cản ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Cụ thể là tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng xuất hiện ngay trong 10 ngày cuối của năm 2020; tình trạng bong bóng ảo bất động sản xảy ra ở quy mô hẹp; tình trạng tăng trưởng nóng ảnh hưởng đến môi trường sống; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp - nhất là hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch - tuy được ban hành sớm nhưng triển khai chậm trễ dẫn đến hiệu quả không cao....
Để thực hiện được mục tiêu của “Đối thoại 2045” thì việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của đất nước./.