Mỹ và EU vừa đạt được thoả thuận về ngừng áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau bằng thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu của nhau trong thời gian 4 tháng. Cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên mà tổng thống Mỹ Donald Trump khi còn cầm quyền ở Mỹ đã kích hoạt giờ chẳng khác gì một cuộc xung đột được thoả thuận ngừng giao tranh. Tân tổng thống Mỹ Joe Biden có thể dùng thoả thuận này làm bằng chứng cho chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới mà một nội hàm trọng tâm trong đó là khôi phục mối quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ. Cải thiện quan hệ của Mỹ với EU và Nato là một trong những cách thức dễ thực hiện nhất và hiệu quả cao nhất giúp ông Biden thể hiện sự khác biệt về quan điểm chính sách và phương cách cầm quyền so với người tiền nhiệm. Thoả thuận này giúp khôi phục và củng cố lòng tin của phía EU vào những cam kết của chính quyền mới ở Mỹ về đưa nước Mỹ trở lại với thế giới. Nó tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho những bước đi tiếp theo ở cả hai phía trong thời gian tới nhằm cải thiện quan hệ hợp tác song phương.
Với EU thì như thế nhưng đối với Nga và Trung Quốc thì chính quyền mới ở Mỹ lại không như thế mà còn trái ngược. Ngay trong những ngày cầm quyền đầu tiên ở Mỹ, chính quyền mới ở Mỹ làm găng hơn chính quyền tiền nhiệm với Nga và tiếp tục làm găng như chính quyền tiền nhiệm với Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đều được đề cập đến cụ thể là thách thức đáng gờm nhất của Mỹ hiện tại cũng như trong thời gian tới về chính trị an ninh, về kinh tế thương mại và về khoa học, kỹ thuật công nghệ. Đồng thời, chính quyền mới ở Mỹ gia tăng mức độ bất hoà với Nga và Trung Quốc trong các vấn đề về và liên quan đến dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Xem ra, xung khắc chứ không phải hoà thuận, đối đầu chứ không phải hợp tác đang trở thành tông điệu chủ đạo trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với Trung Quốc và Nga. Cho dù không đổ vỡ quan hệ, tới đây là thời kỳ chẳng thể bình lặng trong mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga./.
Ngân Hà