Những phát ngôn và hành động của tân tổng thống Mỹ Joe Biden và cộng sự kể từ khi có sự thay đổi chính quyền ở Mỹ về chính trị đối ngoại và an ninh thế giới đều khiến NATO và EU chẳng khác gì thở phào nhẹ nhõm và có thể đầy lạc quan tin tưởng về triển vọng quan hệ lại thân ái giữa đôi bờ Đại Tây Dương. Khôi phục quan hệ hợp tác tin cậy giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trong NATO và EU được ông Biden và cộng sự chủ ý khuếch trương thành một trong những biểu hiện thuyết phục nhất cho chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới. Mới rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã công du châu Âu tham dự cuộc gặp của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên NATO. Ông Biden dự định sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến cuộc gặp cấp cao tới đây của EU. Phía Anh đã lên kế hoạch đón ông Biden sang thăm và tham dự Hội nghị Cấp cao NATO diễn ra vào mùa hè này. Trong nhiều hồ sơ về đối ngoại và an ninh thế giới khác, ông Biden và cộng sự không những chỉ đồng thuận quan điểm mà còn chủ ý phối hợp hành động với các đồng minh và đối tác này như đối với Trung Quốc và Nga, như trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, vấn đề hạt nhân của Iran, vấn đề bán đảo Crimea và Ukraine, vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga hay chuyện nhân sự và cải cách trong Tổ chức Thương mại thế giới. Ông Biden còn đã quyết định đưa nước Mỹ tham gia trở lại một số tổ chức, thể chế và định chế đa phương quốc tế. Đối với NATO và EU, như thế thì cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất đâu có khác gì cầu được, ước thấy.
Ông Biden và cộng sự đang bộc lộ ngày càng thêm cụ thể và rõ nét định hướng chính và lộ trình của việc thực hiện chủ ý đưa "nước Mỹ trở lại" với thế giới. Nhưng qua đó cũng lại còn có thể thấy mục đích của ông Biden và cộng sự là dùng thái độ và phản ứng của các đồng minh và đối tác, thậm chí của cả đối thủ nữa, để thể hiện sự khác biệt rất cơ bản so với những người tiền nhiệm./.
Ngân Hà