Ở nước Mỹ, tân Tổng thống Joe Biden và cộng sự hiện vẫn ở trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại nói chung và đối với các đối tác cụ thể nói riêng. Dù vậy, hiện đã có thể thấy chiều hướng chính sách của chính quyền mới ở Mỹ đối với Trung Quốc và Nga cơ bản giống nhau là gia tăng xung khắc và đối đầu. So với người tiền nhiệm, ông Biden đã bộc lộ rõ sự khác biệt cơ bản ít nhất trên hai phương diện. Thứ nhất, chính quyền mới ở Mỹ chủ trương gay gắt hơn trước đối với Trung Quốc và Nga, tách bạch giữa cạnh tranh chiến lược quyết liệt song phương với hợp tác nếu có thể được trong những vấn đề chung của thế giới. Thứ hai, chính quyền của ông Biden coi vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền là một trong những nội dung trung tâm trong chính sách đối với hai đối tác này. Ngoài ra cũng còn có thể nhận thấy phía Mỹ nỗ lực tranh thủ đồng minh và đối tác thành tập hợp lực lượng mới cùng đối phó Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc và Nga vốn đã có mối quan hệ đối tác chiến lược gắn kết và tin cậy chẳng khác gì là đồng minh của nhau mà không cần phải liên minh với nhau từ nhiều năm nay. Bây giờ, chính quyền mới ở Mỹ đã đẩy họ vào tình thế buộc phải coi Mỹ là đối thủ phải đối phó và cạnh tranh chiến lược hiện tại cũng như về lâu dài. Đối thủ chung này là nguyên cớ buộc Trung Quốc và Nga phải tăng cường liên thủ với nhau. Cuộc gặp nhau trực tiếp vừa rồi - ở thời dịch bệnh khiến mọi hoạt động ngoại giao phải chuyển về phương thức trực tuyến - giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước này và những phát ngôn công khai của họ phản ánh rất rõ ràng và đầy đủ chủ ý và nỗ lực của hai nước nhằm tới mục đích ấy. Mỹ không những chỉ đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn mà còn ràng buộc lợi ích vào nhau chặt chẽ hơn. Nga và Trung Quốc trở thành thách thức khó ứng phó nhất đối với ông Biden và cộng sự trong việc thực thi chủ trương đưa "Nước Mỹ trở lại" với thế giới./.
Ngân Hà