Gần đây, thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) với những cơn sốt nóng cục bộ ở nơi này nơi kia được nhiều người quan tâm, lo lắng. Đáng chú ý là sốt BĐS không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, liệu có xảy ra tình trạng “vỡ bong bóng” BĐS trên toàn cầu, gây sụp đổ thị trường tài chính như năm 2008 và tạo nên khủng hoảng tài chính?
Các chuyên gia trong nước và nước ngoài khẳng định, bối cảnh hiện nay không thể xảy ra tình trạng vỡ bong bóng BĐS hàng loạt trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng nguy cơ và hệ lụy của nó đối với nền kinh tế thì rất lớn.
Nguy cơ thứ nhất hiện hữu là thị trường BĐS đang “sốt ảo”: giá tăng rất cao dù thanh khoản thấp, rất ít giao dịch thành công. “Sốt ảo” nhưng di chứng thật, BĐS đang thiết lập mặt bằng giá mới, dự đoán cao hơn giá cũ 20 - 25%. Điều này đồng nghĩa với việc giấc mơ nhà ở ngày càng xa vời đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, những người có nhu cầu thực sự.
Nguy cơ thứ hai, giá nhà đất tăng cao chủ yếu ở phân khúc nhà ở, đất ở và thu hút một lượng lớn tiền trong ngân hàng (ước tính khoảng 1,8 triệu tỷ đồng) nghĩa là tiền nhàn rỗi của người dân gửi vào ngân hàng đang bị dồn vào kênh bất động sản, dù họ không trực tiếp đầu tư. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chảy vào kênh BĐS. Giá tăng chủ yếu do đầu cơ, khiến những người có tiền gửi phải trả tiền cho lợi nhuận chảy vào túi những người đầu cơ. Đó là chưa kể giá BĐS tăng trong khi lãi suất ngân hàng giảm càng khiến thu nhập của những người có tiền gửi bị giảm sút. Thực tế đó có thể dẫn tới việc nhiều người ồ ạt rút tiền tiết kiệm để đầu tư BĐS, khiến thị trường tài chính bấp bênh, mất an toàn, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trong khi đó, vốn cho sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn.
Trước nguy cơ bong bóng BĐS phập phồng, rất cần “bàn tay thép” của Nhà nước từ trung ương đến địa phương để sớm cắt cơn “sốt ảo” đang đe dọa để lại nhiều di chứng khó lường này.
Ở cấp trung ương, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với BĐS và tăng cường thanh tra, giám sát với tín dụng đầu tư, kinh doanh BĐS... Khi cần sẽ siết chặt cho vay tiêu dùng để tránh người vay tiền sử dụng sai mục đích, đổ vào đầu cơ BĐS. Thông tin tích cực là Bộ Tài nguyên môi trường đang tiến hành thanh tra tình trạng phân lô bán nền bát nháo ở nhiều địa phương, trong nỗ lực minh bạch nguồn cung song hành với việc kiểm soát dòng tiền đầu cơ bất động sản.
Về phía chính quyền các địa phương, cùng với việc công bố các quy hoạch (một nhân tố đẩy giá BĐS tăng mạnh), rất cần có khuyến cáo với người dân về hiện trạng của bản quy hoạch đó, thời gian thực hiện quy hoạch… Cần cảnh báo người dân khi có thông tin các đại dự án ồ ạt đổ vào địa phương, thông tin rõ ràng những dự án chưa đủ điều kiện, để người dân biết trước khi đầu tư. Việc công bố này cần minh bạch, công khai, khách quan, tránh tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ đầu tư./.