Chưa qua hết 100 ngày cầm quyền đầu tiên, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu thể hiện chủ động và sôi động hơn về đối ngoại. Sau những động thái rời rạc và lẻ tẻ ban đầu trên phương diện này, ông Biden gây bất ngờ không nhỏ khi cùng lúc bắt tay vào việc xử lý những hồ sơ chính trị an ninh và đối ngoại thế giới thời sự đối với Mỹ như thương thảo giữa các bên tham gia nhằm làm sống lại thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất, quan hệ của Mỹ với Nga, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan hay chuyện giữa Ukraine và Nga.
Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, ông Biden phải dành ưu tiên hàng đầu cho đối nội mà cấp thiết nhất là ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp ở Mỹ, xử lý vấn đề người nhập cư và tỵ nạn cũng như vấn đề cải thiện chăm sóc y tế cho dân Mỹ. Về đối ngoại, ông Biden chỉ có một vài quyết sách để chứng minh lời nói đi đôi với hành động trong tuyên bố đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" và tập trung đối phó Trung Quốc. Xem ra, ông Biden và cộng sự bây giờ cho rằng chuyện đối nội tuy chưa hoàn toàn ổn thoả nhưng đã được xử lý cơ bản hoặc có được định hướng giải pháp nên bắt đầu tập trung cho hoạt động đối nội.
Nhưng một nguyên do khác nữa khiến ông Biden và cộng sự phải chủ động và sôi động hơn về đối ngoại là bị thôi thúc và o ép bởi những diễn biến mới về chính trị đối ngoại và an ninh. Dẫu liên quan đến Nga hay Trung Quốc, dẫu là chuyện Ukraine hay Afghanistan, hoặc là chuyện Đài Loan hay Biển Đông thì cũng đều đòi hỏi Mỹ phải thể hiện thái độ và phản ứng trên thực tế nếu muốn bảo vệ lợi ích chiến lược và duy trì vai trò, vị thế cũng như ảnh hưởng./.
Ngân Hà