Ở khu vực Trung Đông vào cùng thời điểm có hai sự việc riêng biệt mà tác động lại liên quan đến nhau. Một là bầu cử tổng thống và nghị viện của chính quyền tự trị Palestine tiếp tục bị trì hoãn vô hạn định mặc dù lần cuối cùng được tổ chức cách đây đã 15 năm. Lý do của việc trì hoãn có phần liên quan trực tiếp đến Israel. Hai là việc thủ tướng tạm quyền Israel Benjamin Netanyahu không thành lập được chính phủ mới trong thời gian quy định của hiến pháp hiện hành sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Trong khoảng thời gian không đầy hai năm qua, ở Israel đã có 4 lần bầu cử quốc hội do chính phủ liên hiệp, đều do ông Netanyahu đứng đầu, luôn đoản thọ. Ông Netanyahu có quan điểm rất cứng rắn đối với Palestine và không chỉ ở bên trong mà còn cả ở bên ngoài Palestine, dư luận chung gần như đều cho rằng chừng nào ông Netanyahu còn cầm quyền ở Israel và ở Palestine vẫn dai dẳng tình trạng phân hóa và chia rẽ nội bộ thì chừng ấy không thể có được giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Ở phía Palestine, nếu không tiến hành tổng tuyển cử và bầu lãnh đạo mới thì chưa thể dùng ý nguyện của người dân để thúc ép và buộc các phe cánh chính trị đi vào hoà giải và hợp tác với nhau. Còn ở Israel, nếu bây giờ không thành lập được chính phủ mới thì sẽ lại phải có cuộc bầu cử quốc hội mới như bốn lần trước đấy. Cái vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục tồn tại và phát tác ở cả Israel lẫn Palestine.
Đối với phía Palestine, nếu cứ tiếp tục chia rẽ nội bộ như vậy thì Palestine càng bị yếu thế trong đàm phán hòa bình với Israel và triển vọng có được nhà nước độc lập thêm mờ mịt. Đối với Israel, bầu cử quốc hội lặp đi lặp lại như thế trong thời gian ngắn rõ ràng không phải là cách thức giúp đất nước này nhanh chóng có được ổn định chính trị xã hội mà mất ổn định chính trị xã hội là một trong những nguy cơ lớn nhất cho an ninh quốc gia./.
Ngân Hà