Tiếp sau sốt đất, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng tăng đột biến. Giá thép xây dựng đã tăng đến 50% so với cuối năm 2020, giá các loại thép khác cũng tăng mạnh khiến người dân có nhu cầu xây nhà, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, bất động sản và doanh nghiệp chế biến gia công sản phẩm từ thép gặp nhiều khó khăn. Giá thép tăng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa được khơi thông do đại dịch Covid-19 và bản thân các doanh nghiệp đang liêu xiêu khiến càng khó để phục hồi sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu cũng tiếp tục có đợt điều chỉnh mới.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá tăng tại thời điểm này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan chính là sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nhiều quốc gia với việc vắcxin ngừa Covid-19 được tiêm trên diện rộng, một số quốc gia đã vượt ngưỡng 50% dân số được tiêm vắcxin. Đồng thời, các quốc gia đẩy mạnh gói hỗ trợ phục hồi sau đại dịch nhằm khôi phục hoạt động của nền kinh tế vốn đã bị tổn thương sau hơn một năm chống chọi với dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khôi phục hoàn toàn dẫn đến cung cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, và nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài cũng không ngoại lệ.
Nhưng bên cạnh yếu tố khách quan, không loại trừ yếu tố chủ quan với tình trạng bắt tay làm giá hay sử dụng chiêu trò để đẩy giá lên như đã xảy ra với thị trường bất động sản ở nơi này nơi kia, mặc dù Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện doanh nghiệp thép “bắt tay làm giá”.
Đứng trước bất ổn về thị trường giá cả, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu tổng kết đánh giá thi hành Luật Giá và triển khai các bước tiến hành xây dựng hồ sơ báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động nguồn hàng dự trữ, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng và làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay công tác điều hành giá một số mặt hàng ở một số thời điểm còn lúng túng do công tác dự báo chưa hiệu quả.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật./.