Cần thiết và rất ý nghĩa

Với Công ước Istanbul, có thể nói châu Âu đã đi tiên phong trên phương diện ngăn ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình.

Cách đây 10 năm, Hội đồng châu Âu thông qua một thoả thuận có ý nghĩa và phạm vi tác động như một bước ngoặt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và thực hiện các quyền của phụ nữ. Văn kiện có tên gọi là Công ước Istanbul về ngăn ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Với văn kiện này, có thể nói châu Âu đã đi tiên phong trên phương diện ngăn ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tinh thần cốt lõi của Công ước Istanbul là coi những hành động bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình là hành động vi phạm nhân quyền nên bị chế tài như những hành động vi phạm nhân quyền khác.

Có chút khôi hài và cay đắng khi đúng vào dịp 10 năm công ước này ra đời, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại quyết định rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi công ước. Thực tiễn 10 năm qua ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung đã cho thấy sự ra đời của công ước này là rất cần thiết, đúng đắn và có ý nghĩa to lớn. Vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là công ước Istanbul có góp phần thực hiện bình đẳng giới thực sự và toàn diện mà còn trước hết là bảo vệ nhân phẩm của người phụ nữ trong xã hội, là coi những hành động bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình là hành vi vi phạm nhân quyền để rồi từ đấy khẳng định các quyền cho người phụ nữ và khép chính quyền nhà nước vào trách nhiệm phải thực thi những quyền của người phụ nữ và phải có biện pháp chính sách, luật pháp và cơ chế thích hợp, hiệu quả nhằm ngăn ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Với công ước này, Hội đồng châu Âu đã khai phá và mở ra con đường cho cả những nơi khác nữa trên thế giới đồng hành./.

Ngân Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận