Bộ Nội vụ mới đây đã vừa ban hành Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan Bộ. Trong đó đáng chú ý có yêu cầu về trang phục “quần, áo kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ…”.
Ngay lập tức, những quy định này đã tạo nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Nhiều người không đồng tình, thậm chí mỉa mai, cười cợt: quy định tầm phào. Rằng tấm áo chẳng thể làm nên thày tu. Và quần bò, áo phông thì cũng đâu có tội. Miễn sao đừng ăn mặc hở hang, phản cảm là được.
Đúng là tấm áo không làm nên thầy tu. Nhưng với thầy tu - ai bảo tấm áo không có giá trị? Quần bò, váy ngắn, áo phông không cổ - đều đẹp cả, nhưng trong môi trường công sở liệu đã phù hợp? Những quy định dẫu có hơi chi tiết, thậm chí đến mức khắt khe, song thiết nghĩ cũng là cần, thay cho một lời nhắc nhở tới các cán bộ, công chức về tinh thần, thái độ, tác phong làm việc, vì một môi trường làm việc nghiêm túc, chính quy và chuyên nghiệp thực sự.
Mặt khác, nếu đây là quy định áp dụng chung cho toàn xã hội thì chúng ta có thể phải tranh cãi về tính phù hợp của nó. Nhưng nếu chỉ áp dụng trong nội bộ cơ quan của Bộ Nội vụ - tức là chỉ trong một cộng đồng nhỏ, cùng chung tính chất công việc, thì đâu có gì phải bàn cãi?
Bất cứ một cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng có thể có quy định riêng, thể hiện văn hoá của chính mình. Điều quan trọng là văn hoá ấy phù hợp với bối cảnh, đặc thù công việc và được sự đồng tình, ủng hộ của các thành viên trong cộng đồng ấy.
Bộ quy tắc ứng xử của Bộ nội vụ thêm một lần nữa khẳng định là công chức thì phải “sống và làm việc” theo nguyên tắc, nguyên tắc ngay từ những chuyện tưởng như mang tính cá nhân - đó là trang phục, sở thích, thói quen ăn mặc. Đã sống trong một tập thể thì bất cứ ai cũng không thể tùy tiện mà cần phải tôn trọng tập thể, tôn trọng những người xung quanh mình.
Thực tế chúng ta không còn lạ lẫm với những hình ảnh nơi công sở - nơi mà với rất nhiều người chẳng khác gì một sàn diễn thời trang. Đôi khi, thời trang quá lố dẫn đến phản cảm, làm nhức mắt những đồng nghiệp xung quanh. Và khi đó thì không thể nói ăn mặc chỉ là chuyện cá nhân, ăn mặc không ảnh hưởng đến công việc, đến môi trường làm việc…
Nhìn sang một số quốc gia trên thế giới, nhiều nước cũng có những quy định rất nghiêm ngặt về trang phục nơi công sở, chẳng hạn như không được đi giày hở mũi, không được mặc váy, quần áo bó sát… Đơn cử như tại Nhật Bản, trang phục công sở thường được thiết kế riêng, đồng phục là các loại áo sơ mi, vải không được quá mỏng, không được quá rườm rà, cầu kỳ. Nhân viên nữ thường búi tóc cao, gọn gàng, váy không được quá ngắn mà phải dài trên đầu gối ít nhất 5cm, hoặc kết hợp quần âu với áo sơ mi…
Quay trở lại với bộ quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ, có thể thấy ở đây một sự quyết liệt và hoàn toàn nghiêm túc của những người có trách nhiệm. Bởi thực tế là đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị ban hành những quy định như thế này, thậm chí ngay chính Bộ Nội vụ trước đây cũng từng có, nhưng chỉ mang tính chất chung chung, chứ không hề “điểm mặt gọi tên” một cách rõ ràng, cụ thể như lần này. Điều đó đủ để thấy Bộ này quan tâm tới việc chấn chỉnh tác phong, phong cách làm việc của cán bộ, công chức đến thế nào. Một sự kỳ vọng rằng những quy tắc ứng xử chuẩn sẽ không chỉ giúp định hướng văn hóa nội bộ, thể hiện “bộ mặt” cơ quan mà còn góp phần tạo gắn kết giữa các nhân viên, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nơi công sở.
Vậy nên, thay vì mỉa mai, cười cợt, sao chúng ta không ủng hộ quyết tâm này của Bộ Nội vụ? Và có lẽ các cơ quan Bộ ngành, lĩnh vực khác cũng nên tính đến chuyện xây dựng cho mình những quy tắc như thế này, điều tiết hành vi ứng xử cho cộng đồng mình, từ đó là cho toàn xã hội.
Đó cũng là tạo ra một môi trường văn hóa công vụ thực sự để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự “rèn” mình - từ những điều nhỏ nhất./.
Ngọc Hà/VOV2