Đừng để rượu 'uống' người…

Thay vì trở về nhà sau giờ tan tầm để ăn bữa cơm gia đình, thói quen của rất nhiều đàn ông Việt là ra thẳng quán nhậu.

 

Càng uống, càng “vào”, uống gấp, uống vội, “rượu vào, lời ra”, bao cái xấu xí, từ đó mà thành. 60% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia, đã có một nghiên cứu cho hay, ngoài ra, lượng tiêu thụ rượu bia quá cao cũng khiến số người mắc bệnh ung thư và tiểu đường gia tăng.

Dường như ai cũng biết, cũng thấm, nhưng khi đã vào bàn nhậu là “bất chấp”. Đã thế, uống rượu là phải có bạn, rượu cũng vì thế ngày càng trở nên xấu xí trong mắt nhiều người, cũng bởi vì “văn hóa ép rượu”, kiểu như “rượu bất khả ép, ép bất khả từ”. Thành thử ra, đàn ông Việt ngày càng “nổi tiếng” trên thế giới về văn hóa “nhậu”. Chỉ cần nhìn vào “thứ hạng” trên bản đồ thế giới về tiêu thụ rượu bia là đủ thấy, người Việt uống rượu ngày càng nhiều như thế nào. Theo số liệu từ Hiệp hội đại diện ngành công nghiệp rượu bia, Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, Trung Quốc, và là quốc gia tiêu thụ đồ uống có cồn hàng đầu Đông Nam Á, hơn cả những nước được đánh giá là giàu có hơn như Thái Lan. Đáng lo ngại là hiện có tới 1/4 đàn ông Việt đang uống bia rượu ở mức "gây nguy hiểm", tức là uống nhiều hơn 6 cốc bia/rượu trong mỗi cuộc nhậu, theo định nghĩa của WHO.

Những người uống rượu thường mượn ý của người xưa “nam vô tửu như kỳ vô phong” để biện hộ rằng, đàn ông mà không có chén rượu thì chẳng thể nào “thăng hoa” được. Thế nhưng “thăng hoa” đâu chưa thấy mà dường như "thăng thiên" lại khá nhiều. Chỉ trong vòng một tuần của tháng 8 này đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu trên cả nước, trong đó có những vụ ngộ độc tập thể, khiến 2 người tử vong và nhiều ca nguy kịch. Đa số các nạn nhân bị ngộ độc methanol và đều đã từng uống phải rượu kém chất lượng. Đoàn kiểm tra của thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức cũng công bố một loạt cơ sở sản xuất rượu tự phát còn pha cả cồn rửa tay để giá thành rượu được rẻ. Thật là hết biết.

Methanol (cồn công nghiệp) là hóa chất thuộc danh mục hạn chế sản xuất kinh doanh, giá thành tương đối rẻ. Chỉ cần từ 50 đến 100 nghìn đồng là có thể mua được 10 lít methanol, và cũng từ 10 lít này có thể pha ra hàng chục lít rượu trôi nổi ngoài thị trường.

Methanol thường có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể, tuyệt đối không thể làm rượu. Thế nhưng chỉ cần hòa một chút hóa chất tạo phẩm có mùi vị như chuối hột, chanh, cam với methanol pha loãng là đủ để cung cấp cho dân nhậu Việt những loại rượu “kém chất lượng” này. Chất lượng thì trôi nổi, không được kiểm soát thế nhưng những loại rượu “rẻ tiền” này vẫn cứ hiện hữu trên các bàn nhậu, vẫn cứ là tố chất đưa đẩy để dân nhậu “thăng hoa”.

Để hạn chế những hệ lụy do rượu bia gây ra, Chính phủ đã ra Nghị định 100 đưa ra chế tài xử phạt nặng những người uống rượu bia tham gia giao thông, tại nhiều địa phương nghiêm cấm cán bộ, công nhân viên chức uống rượu bia trong giờ làm, thế nhưng việc này tiến hành như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Có lẽ chúng ta xử lý không nghiêm nên tai nạn giao thông do bia rượu gây ra vẫn ở mức cao, lực lượng công an triển khai cao điểm kiểm tra rầm rộ, nhưng hết đợt cao điểm thì mọi việc lại vẫn như cũ.

Đến lúc cần có những chế tài nghiêm khắc hơn với việc quản lý sản xuất và kiểm tra chất lượng các loại rượu trôi nổi trên thị trường hiện nay, cũng như thường xuyên hơn việc triển khai thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ. Có làm tốt những việc này chúng ta mới hạn chế được những tác hại của bia rượu trong đời sống hàng ngày. Quan trọng hơn, người tiêu dùng cần hiểu rõ tác hại của rượu bia, cũng như biết tránh xa những sản phẩm rượu bia kém chất lượng.

Bia rượu vốn đã có tác hại, nhưng bia rượu kém chất lượng còn nguy hại hơn vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người sử dụng, hãy tỉnh táo để người uống rượu chứ đừng để rượu “uống” người./.

Tự Minh/VOV2

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận