Giữa Ấn Độ và Pakistan đã trở nên căng thẳng không chỉ trên dư luận mà còn ở cả trên thực địa và xung khắc gia tăng không chỉ về chính trị mà còn cả về quân sự. Sau vụ đánh bom cảm tử khủng bố vừa rồi ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, phía Ấn Độ đã có nhiều hình thức thể hiện thái độ cứng rắn đối với Pakistan và mới đây nhất cả bằng hoạt động quân sự. Không quân Ấn Độ đã tiến hành những chiến dịch không kích vào một số mục tiêu ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý. Quân đội Pakistan cũng đã đáp trả bằng quân sự.
Tình trạng như thế giữa hai nước láng giềng của nhau này không phải xuất hiện lần đầu tiên nhưng cũng đã phải từ khá lâu nay rồi không xuất hiện nữa. Láng giềng của nhau lại xung khắc với nhau như vậy và cũng lại liên quan đến vùng Kashmir. Ở nơi đây có cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Năm 1963, Pakistan đã giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Kashmir bằng cách để cho Trung Quốc quản lý phần lãnh thổ thuộc phạm vi Pakistan quản lý mà bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Từ đó Pakistan chỉ còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ ở Kashmir trong khi chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn dai dẳng.
Các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này đều phức tạp, nan giải và dễ bùng nổ thành xung khắc quân sự trực tiếp giữa các bên liên quan ở vùng Kashmir chứ không chỉ thể hiện ở mức độ quan hệ chính trị hay ở cuộc khẩu chiến trên dư luận giữa hai nước. Ở Ấn Độ sắp có cuộc tổng tuyển cử. Ở Pakistan, giới quân sự tuy không trực tiếp nhiếp chính nhưng uy quyền vẫn rất quyết định. Ở cả hai nơi, tác động của chuyện chủ quyền lãnh thổ đối với vùng Kashmir đều vô cùng nhạy cảm về đối nội. Cho nên thật ra không có gì khó hiểu khi phía Ấn Độ thể hiện thái độ rất cứng rắn và phía Pakistan tỏ ra kiên quyết đáp trả. Hệ luỵ trực tiếp là đối địch còn gia tăng, xung khắc còn leo thang và giải pháp hoà bình càng xa vời.