Bước vào năm mới 2019 này, nước Pháp vẫn chưa thể yên bình khi những người được gắn cho biệt danh "Áo vàng" vẫn tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ và tổng thống Emmanuel Macron và khi phía chính phủ chủ trương đối phó bằng những biện pháp cứng rắn như có luật lệ mới về an ninh hay tăng cường sự hiện diện và hoạt động của cảnh sát. Số lượng người tham gia những hoạt động biểu tình phản đối của phe "Áo vàng" không còn đông như trong mấy tuần trước đó, nhưng hình thức phản đối của họ đã trở nên cực đoan và bạo lực hơn, sự phản đối đã bắt đầu ẩn chứa cả tính chính trị, vì thế đã trở nên nguy hiểm và nguy hại hơn trước rất nhiều đối với chính quyền của ông Macron. Nhưng phe biểu tình chính trị hoá cuộc đấu tranh của họ như thế nào thì chính quyền của ông Macron cũng chính trị hoá vụ việc như thế để hợp pháp hoá những biện pháp đối phó. Phe biểu tình đưa ra yêu sách đòi ông Macron từ chức thì chính quyền của ông Macron coi những hoạt động biểu tình phản đối này là những "cuộc tấn công vào nền cộng hoà" và nhằm để "lật đổ chính phủ".
Một khi bị chính trị hoá như thế thì cuộc xung khắc này trở nên vô cùng tai hại về mọi phương diện đối với nước Pháp nói chung và cá nhân ông Macron. Một cuộc đấu tranh về lao động hay xã hội bao giờ cũng dễ được giải quyết hơn là cuộc đấu tranh chính trị. Lẽ ra phải biến đại sự thành tiểu sự thì cả hai phe đối địch nhau ở Pháp đều đang làm ngược lại. Một khi để cho hoạt động biểu tình phản đối bị cực đoan hoá và bạo lực hoá như hiện tại, phe "Áo vàng" ở Pháp không thể tập hợp được đa số dân chúng ở đất nước này cả về lâu dài để duy trì cuộc đấu tranh với phe chính phủ. Mặt khác, một khi chính phủ cũng chính trị hoá chuyện này như thế thì khoảng cách giữa hai bên, sự bất đồng quan điểm giữa hai phe chỉ càng thêm khó khắc phục bởi đối thoại để giải quyết bất hoà một cách hoà bình càng thêm khó khả thi.