Doanh nghiệp Việt nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài hoặc đặt hàng nước ngoài gia công chế biến rồi đóng gói, kinh doanh và bảo hành ở Việt Nam không phải là cá biệt. Bởi trên thực tế, nền sản xuất Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Việc cần làm bây giờ là sớm có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định rõ là hành vi này có đúng pháp luật hay không, được sự cho phép hợp pháp của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hay không, việc nhập khẩu này có tuân thủ đúng các quy định về nghĩa vụ đối với Nhà nước hay không? Hoạt động này liệu có dẫn đến tình trạng sản phẩm của Việt Nam bị đánh thuế cao hơn do các nước khác nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ hay không? Mọi thông tin này cần được công bố rõ để đảm bảo sự công bằng đối với doanh nghiệp cũng như với người tiêu dùng. Vì nếu tiếp tục có những thông tin chưa kiểm chứng, thì người tiêu dùng sẽ hoang mang, và doanh nghiệp cũng thiệt hại lớn. Ngay cả nếu được “minh oan” như các doanh nghiệp Con Cưng, Đức Việt trước đây, thì thiệt hại uy tín (cũng đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế) của doanh nghiệp khó mà đo đếm.
Từ những vụ việc như vậy, cũng cần có cách nhìn nhận khách quan hơn về những chính sách khuyến khích đầu tư, cho dù là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay đầu tư trong nước. Bởi lẽ, với một số chính sách ưu đãi như hiện nay, sự phát triển của doanh nghiệp chỉ mang lại lợi ích cho chính họ, mà không đóng góp gì cho sự phát triển đất nước cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách.
Theo nhận định của một số chuyên gia, sau những thất bại đau xót của khối doanh nghiệp Nhà nước, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài đang bộc lộ những mặt hạn chế, dường như đang có một tâm lý dành ưu tiên đặc biệt cho các doanh nghiệp tư nhân, với mong muốn xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Người tiêu dùng cũng đang quan tâm hơn đến sản phẩm sản xuất trong nước, từ hàng tiêu dùng đến hàng xa xỉ, kể cả ô tô. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, cần phải nhìn nhận một cách công bằng cả hai mô hình kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân, cần có những chính sách để phát triển cả hai loại hình này, như “đôi chân” của nền kinh tế. Đồng thời cần có những điều kiện ràng buộc và những biện pháp quản trị để doanh nghiệp phát triển đúng hướng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh, tạo việc làm cho người lao động và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu thiếu các điều kiện ràng buộc đó, vô hình chung những chính sách ưu đãi doanh nghiệp sẽ tạo nên một tầng lớp “tư bản thân hữu” kiểu mới, được hưởng lợi từ chính sách chung nhưng lại chỉ đem lại lợi nhuận cho một nhóm người.