Nhắc đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ đến những vết thương trên thân thể do hành hung gây nên. Thế nhưng, có một loại bạo lực vô hình nhưng lại âm thầm tạo nên những vết thương trong tâm hồn - đó là bạo lực tinh thần. Những nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu dai dẳng, đớn đau nhưng rất khó để kêu cứu.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, ngụ quận Tân Phú, TPHCM vừa tìm đến một trung tâm tư vấn của Hội phụ nữ để giải tỏa căng thẳng và tìm sự trợ giúp cho cuộc sống đang rơi vào bế tắc của mình. Sau gần 15 năm kết hôn, chồng chị trở nên thay đổi, thường uống rượu say xỉn rồi về nhà gây gổ với vợ con, có khi không cho ai ngủ. Anh đe dọa và bắt chị phải đưa hết tiền cho anh, không còn tiền thì phải mang giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng để vay tiền làm ăn. Nhưng việc làm ăn anh không bàn bạc với chị. Số nợ ngân hàng từ đó mà cứ lãi mẹ đẻ lãi con.
Từ chỗ gia đình khá giả, giờ nhà chị đứng trước nguy cơ bán đất để lấy tiền cho chồng chị xoay sở. Anh thường xuyên dọa ly hôn nếu chị không tôn trọng công việc của anh. Không muốn con thiếu cha, không muốn lời ra tiếng vào, mang tiếng đổ vỡ nên chị đã phải nín lặng. Chị đau khổ tột độ sau thời gian cam chịu khá dài để níu giữ vỏ bọc hạnh phúc của mình.
"Chồng tôi cứ lừa dối tôi hết lần này đến lần kia, xong về còn hành hung, đập phá rồi còn đổ oan cho tôi đi với trai. Hiện tại, chồng tôi đang đòi bán nhà chia tài sản, tôi không biết với người chồng như vậy thì có nên giữ để con có cha hay không?", chị Lan Anh nói trong nước mắt.
Chị Lan Anh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp phụ nữ chịu đựng nỗi đau tinh thần, trở thành nạn nhân trong chính gia đình của mình. Thế nhưng, theo một thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì có đến hơn 87% phụ nữ bị bạo hành được khảo sát chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ, cơ quan trợ giúp pháp lý. Đặc biệt là những hình thức gây áp lực bằng lời nói, sự đe dọa hoặc thái độ bất cần, quấy rối rất ít khi được các chị chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, xã hội ngày càng tiến bộ, cùng với sự can thiệp của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức xã hội, sự phát triển của truyền thông nên các hành vi bạo lực thân thể xảy ra cho phụ nữ được hạn chế. Nhưng về mặt tinh thần thì ngược lại, ngày càng nhiều phụ nữ chịu đựng những nỗi day dứt, âm thầm diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống hôn nhân, tinh thần khổ sở kéo dài rồi mới có những tổn thương về thể chất.
"Chúng ta vẫn coi bạo hành trong gia đình là việc riêng của gia đình. Số lượng bị bạo hành mà chúng ta có số liệu và phát hiện được chỉ là phần nổi thôi", bà Bích nói.
Theo Tiến sĩ Tâm lý Phạm Thị Thúy, bạo lực tinh thần trong gia đình ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ riêng phụ nữ mới chịu đựng nỗi đau vô hình này, mà thậm chí đàn ông cũng bị chính người vợ của mình hành hạ tinh thần, hoặc làm phức tạp mối quan hệ, hoặc thờ ơ lạnh nhạt dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Vợ chồng bạo lực tinh thần lẫn nhau chính là nguyên nhân phát khởi trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong môi trường u uất, buồn bã trong một thời gian dài.
Đặc biệt, trẻ em đang trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần trong gia đình - nơi được xem là an toàn và bình yên nhất đối với trẻ. Khi diễn thuyết tại các diễn đàn trẻ em, bà Thúy nhận được rất nhiều tâm tư than phiền buồn chán từ trẻ. Đó là việc cha mẹ chỉ lo cái ăn cái mặc, đến việc học hành của con nhưng không hề quan tâm đến tâm lý trẻ, không dành sự yêu thương cho trẻ, không để ý để cảm xúc của con. Đặc biệt là các hành vi chửi mắng, la hét, ép buộc trẻ làm theo ý mình khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm, muốn chống đối, hụt hẫng…
Mặc dù các bậc cha mẹ đều yêu thương con trẻ, nhưng trẻ em đang không cảm nhận được tình yêu đó. Có đến gần 30% trẻ đang hoài nghi về tình yêu của cha mẹ giành cho trẻ. Từ đó trẻ dễ tìm đến những hoạt động giải trí không lành mạnh. Cũng có những đứa trẻ lại là nạn nhân của việc bạo lực tinh thần giữa bố và mẹ, hứng chịu những tổn thương tâm lý rất trầm trọng mà các bậc phụ huynh gây ra.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói: "Trẻ nhỏ chỉ biểu lộ bằng thái độ và bằng tiếng khóc thôi nhưng trẻ lớn hơn thì biểu hiện bằng hành vi chống đối, sự xa cách với bố mẹ và sự căng thẳng bực bội, thậm chí có những hành động hỗn hào với bố mẹ. Vậy trước khi kết luận con mình hư thì hãy xem lại mình đã đối xử với con như thế nào".
Theo các chuyên gia, chính bản thân từng người bị khiếm khuyết về tinh thần, cảm thấy không ổn nên có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực tinh thần đối với người thân của mình. Vì vậy, mỗi người phải biết cách cân bằng bản thân, biết giành sự yêu thương bản thân và yêu thương cho người khác để hạn chế xung đột. Bạo hành tinh thần không chỉ là vấn đề riêng của gia đình mà còn là vấn đề của cả xã hội. Chính vì vậy, ngoài việc dũng cảm đối mặt để giải quyết vấn đề, người trong cuộc cần tìm kiếm sự trợ giúp từ họ hàng, người thân, giúp đỡ chia sẻ với mình, đấu tranh thẳng thắn và có thể tự giải thoát cho mình nếu không thể cải thiện được tình hình./.
Theo Kim Dung/VOV.VN