Vậy là điều mà nhiều chuyên gia thương mại lo ngại suốt mấy năm qua, khi Big C - cùng với đó là Metro Cash & Carry - được bán cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan, đã xảy ra: 200 nhà cung cấp sản phẩm dệt may của Việt Nam đã bị ngừng cung cấp hàng vào chuỗi siêu thị Big C. Cho dù sau đó Central Group, chủ nhân chuỗi siêu thị này, biện minh rằng đó chỉ là hoạt động cơ cấu lại ngành hàng, và họ sẽ nhập lại sản phẩm của 150 doanh nghiệp, số còn lại sẽ được rà soát khi đáp ứng yêu cầu của Big C. Thế nhưng ai cũng hiểu, nếu không có phản ứng kịp thời của Bộ Công Thương, của các chủ doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là của người tiêu dùng, thì chắc sản phẩm của 150 trong tổng số 200 doanh nghiệp kia khó có cơ hội trở lại Big C.
Quyền lực của nhà bán lẻ đã được Big C thể hiện rất rõ ràng: họ có quyền nhập hay không nhập bất cứ mặt hàng nào của doanh nghiệp Việt Nam. Và pháp luật chưa có điều khoản nào ràng buộc doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải tiêu thụ hàng Việt. Có thể sẽ có câu hỏi: vì sao luật pháp vẫn vậy mà trước đây khi Big C còn trong tay người Pháp và Metro thuộc công ty Đức không xảy ra điều tương tự? Đơn giản là đẳng cấp của hàng Pháp, hàng Đức cũng như chi phí vận chuyển các mặt hàng này về Việt Nam khiến giá bán khó cạnh tranh với hàng Việt. Nhưng thị trường Thái Lan cận kề, chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều, nhu cầu tiêu dùng và mặt bằng sản xuất lại tương đương, nên khi chuỗi bán lẻ về tay người Thái, điều tất yếu là hàng Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Mất thị trường ngay trên sân nhà không còn là một nguy cơ - nó đã trở thành thực tiễn. Chúng ta có nước mắm, người Thái cũng có và "nước mắm Phú Quốc" nhưng sản xuất tại Thái Lan đang được xuất khẩu sang Mỹ. Chúng ta có gạo, người Thái cũng có gạo và nhiều năm liền họ là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Rõ ràng là lợi thế so sánh nghiêng về phía Thái Lan.
Thực tế đang đòi hỏi các nhà bán lẻ trong nước phải liên kết cùng phát triển nhằm tạo đối trọng với các nhà phân phối nước ngoài, đóng vai trò bệ đỡ cho sản xuất trong nước. Để làm được điều đó, cần có những chính sách hợp lý, phù hợp với các cam kết giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ Việt phát triển. Các Hiệp hội ngành hàng cũng cần rà soát lại những điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp Việt để kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các văn bản pháp luật. Cần có sự đồng thuận, chia sẻ của người tiêu dùng trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sản xuất và phân phối Việt đạt kỳ vọng của khách hàng Việt. Nhưng quan trọng hơn cả, bản thân nhà sản xuất cần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, dịch vụ để đáp ứng được yêu cầu của các nhà bán lẻ. Với tư cách là người kinh doanh đang hoạt động tại quốc gia khác, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không dại gì từ chối nhận hàng Việt, nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp./.