Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố đã hạ dự báo GDP toàn cầu 0,1% so với báo cáo hồi tháng 4, dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 3,2% năm nay và 3,5% năm tới. Tăng trưởng kim ngạch thương mại toàn cầu cũng bị hạ 0,9% xuống 2,5% năm nay. Trong đó, con số dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm 0,1% so với dự báo được đưa ra quý trước, còn của Mỹ lại được dự báo tăng 0,3% so với quý trước. Tiến trình Brexit được gia hạn 6 tháng đã giúp IMF nâng dự báo tăng trưởng của Anh năm 2019 thêm 0,1%, lên 1,3%. IMF nhận định các nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Căng thẳng thương mại gây sức ép lên đầu tư. Lãi suất thấp kéo dài khiến nhà đầu tư không chuộng tài sản rủi ro. Áp lực lạm phát thấp khiến việc trả nợ khó khăn hơn, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Trong bối cảnh chung đó, kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức mang tính toàn cầu như căng thẳng thương mại, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Những biến động trước mắt có thể nhìn thấy là sự chao đảo của giá vàng, giá dầu và tỉ giá đô la Mỹ với đồng Việt Nam. Có một thực tế không thể phủ nhận là Ngân hàng Nhà nước đã làm rất tốt việc kiềm chế tăng lãi suất, tăng giá vàng và điều chỉnh tỉ giá, đồng thời cùng với ngành tài chính tạo động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán. Nhưng những biến động kinh tế toàn cầu vẫn là đòi hỏi khách quan buộc phải có sự nới lỏng nhất định đối với tỷ giá, vì nếu không sẽ dẫn đến tác động kép đối với nền kinh tế, đặc biệt là giảm hiệu quả xuất khẩu. Và tính đến thời điểm hiện nay, điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn linh hoạt và phù hợp với biến động của nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ phải có những toan tính cụ thể đối với bài toán tỷ giá, và đặt trong bối cảnh chung của thế giới để tránh những đánh giá tiêu cực của các bên về chuyển động kinh tế của Việt Nam. Trong cuộc họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu: “Theo dõi đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên để phía Hoa Kỳ nhìn nhận vấn đề khách quan, thận trọng”.
Chính sách tiền tệ linh hoạt và chắc chắn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hơn trong các hoạt động xuất nhập khẩu để ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới./.