Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì đã tiếp tục căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc. Cả bốn quốc gia này đều là những đối tác, bạn hàng chiến lược, quan trọng của Việt Nam, nên nếu không tạo được sự cân bằng cán cân thương mại, thì chính Việt Nam bị “vạ lây” từ những tranh chấp đó.
Có thể dẫn ra đây một ví dụ, trong văn bản trả lời trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ mới đây, ông Light Lighthizer - Đại diện thương mại Mỹ - đã cho rằng: nước Mỹ cần hành động để giảm thâm hụt thương mại không bền vững với Việt Nam. Trong báo cáo này nêu rõ, các biện pháp mà Việt Nam cần thực hiện bao gồm việc mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ và bằng cách giải quyết các hạn chế tiếp cận thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, nông sản và sở hữu trí tuệ. Đó là thông tin vừa được Bloomberg.Economic đăng tải hôm 30/7/2019.
Đây thực sự là một thách thức đối với Việt Nam khi bị nước Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ. Việt Nam một trong những thị trường thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Theo số liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với Hoa Kỳ đã đạt 40 tỷ đô la vào năm ngoái, mức cao nhất trong hồ sơ từ năm 1990. Trong năm tháng đầu năm, thặng dư đã cao hơn 43% so với một năm trước với 21,6 tỷ đô la.
Về mặt ngoại giao, đương nhiên Chính phủ sẽ có câu trả lời phù hợp để phía Mỹ hiểu đúng hơn về chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng về mặt kinh tế, rõ ràng chúng ta đang cần có đối sách thích hợp để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu thuận lợi sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…và tránh tác động tiêu cực từ thâm hụt thương mại.
Việc mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam là một bước đi cần thiết để tạo nên sự cân bằng thương mại với đối tác quan trọng như Mỹ, đồng thời giúp cho người tiêu dùng trong nước được tiếp cận với những nguồn hàng đa dạng hơn. Đây sẽ là cú hích buộc các nhà sản xuất phải thay đổi, nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhưng hoạt động này cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng những chính sách tích cực bị lợi dụng để trà trộn, gian lận nguồn gốc xuất xứ, gây tổn hại cho nền kinh tế. Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch của thị trường tài chính để tránh tạo thêm áp lực đối với hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có liên quan trong vòng xoáy căng thẳng thương mại hiện nay./.