Tôi vừa có một trải nghệm “thú vị” khi đi du lịch ở Đà Nẵng và Hội An mà chỉ mang theo rất ít tiền mặt và một thẻ ATM. Đó là suýt nhịn đói khi không kịp tìm cây ATM để rút tiền. Cả “khu phố Tây” của Đà Nẵng, từ An Thượng 1 đến An Thượng 5, từ Hoàng Kế Viêm đến Ngô Thì Sỹ chỉ có duy nhất cây ATM của Ngân hàng Công thương Việt Nam Vietinbank, nhưng cũng hỏng. Trong khi đó, dãy nhà hàng, quán café, giải trí san sát, khách nước ngoài nườm nượp, nhưng đa số không nhận thanh toán thẻ hoặc chuyển khoản bằng internet banking. May còn có mấy siêu thị mini chấp nhận thanh toán thẻ để du khách lỡ độ dường có thể lấp đầy dạ dày.
Thành phố Hội An của Quảng Nam tuy có khá hơn với số lượng cây ATM dày đặc và số điểm kinh doanh dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ đông hơn, nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự thuận tiện với du khách.
Ngay cả nhiều công ty du lịch làm dịch vụ đón đưa khách tham quan Bà Nà Hills cũng chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt trực tiếp với hướng dẫn viên, không chuyển khoản. Và ngay trên đỉnh núi Bà Nà, nếu bạn không chuẩn bị sẵn tiền mặt thì sẽ không thể mua sắm bất kỳ thứ gì ngoài gói dịch vụ.
Đây là một thực tế vẫn hàng ngày diễn ra ở Việt Nam, không chỉ riêng các điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An mà ngay cả hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà nội và TPHCM. Dù số lượng các điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngày một nhiều hơn theo thời gian, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp nếu so với số điểm kinh doanh hàng hóa dịch vụ gia tăng với tốc độ chóng mặt. Và khi đi tới bất kỳ đâu ở Việt Nam, du khách dù là người Việt hay người nước ngoài đều phải “thủ” sẵn số tiền tương ứng với nhu cầu để đảm bảo những dịch vụ thiết yếu, từ tiền triệu, tiền trăm đến…2000 đồng vệ sinh công cộng.
Lý do quan trọng khiến việc tiêu dùng không tiền mặt còn nhiều hạn chế là chưa có những cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc bị thu phí chuyển khoản, nên không mặn mà với hoạt động này. Trong khi đó, các ứng dụng thanh toán trực tuyến, ví điện tử chủ yếu chỉ phát triển với dịch vụ mua bán trực tuyến hoặc ở những doanh nghiệp giao dịch nhiều với khách hàng nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài như Grab, Agoda…
Thực tế này cho thấy, nếu như không có những cơ chế khuyến khích người kinh doanh dịch vụ sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích những dịch vụ sử dụng ví điện tử đồng thời có cơ chế quản lý chặt chẽ dòng tiền từ các ứng dụng ví điện tử này, thì Việt Nam vẫn chậm chân trong việc tiến tới xã hội hạn chế sử dụng tiền mặt, và chậm chân hơn nữa trong việc thu hút du khách nước ngoài tiêu tiền ở Việt Nam./.