Đấu thầu cao tốc Bắc Nam: kỳ vọng và bài học

Việc Bộ Giao thông vận tải công bố hủy thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.

           Trước hết cần khẳng định là việc hủy thầu quốc tế này phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như quy định của luật pháp Việt Nam. Đây sẽ là một cơ hội mở cho doanh nghiệp Việt Nam nào có đủ tiềm lực kinh tế cũng như các tiêu chuẩn được đặt ra trong quá trình đấu thầu.

          Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, Việt Nam có những doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản trị, điều kiện kỹ thuật để tham gia những dự án lớn như vậy. Có thể kể ra một số ví dụ điển hình như Tập đoàn Đèo Cả với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vừa mới thông xe, hầm đường bộ Đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hòa; hay Tập đoàn SunGroup với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn… Tuy nhiên, những tiêu chí của lần đấu thầu quốc tế trước đây đề ra quá ngặt nghèo với các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là tiêu chí về kinh nghiệm, khiến doanh nghiệp nội gần như bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Làm sao có thể có kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc, khi cả nước mới có khoảng 610 km đường cao tốc, đa số sử dụng vốn nước ngoài, vốn vay ODA và do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư?

          Điều này càng trở nên nghịch lý khi mà hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài dù thắng thầu ở các dự án cao tốc thì cũng vẫn phải thuê nhà thầu thi công Việt Nam thực hiện. Như vậy có nghĩa là Việt Nam có cả nhà đầu tư đủ tiềm lực, cả đội ngũ thi công có chất lượng, nhưng vì những tiêu chí chưa phù hợp mà trước đây chưa thể ráp nối lại với nhau. Đấu thầu lại với những tiêu chí phù hợp hơn sẽ tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và nhà thầu thi công nội có cơ hội tham gia những công trình lớn của đất nước.

          Nhà đầu tư “nội” tham gia đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Nam cũng được kỳ vọng là sẽ đảm bảo tiến độ thi công cũng như tránh tình trạng đội vốn như đã từng xảy ra với những công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội hay tuyến Metro số 1 ở TPHCM. Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình lớn mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang là chủ đầu tư đều đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và chi phí thực hiện. Điều chỉnh tiêu chí không đồng nghĩa với việc hạ thấp các tiêu chuẩn kỹ thuật, mà trái lại, doanh nghiệp Việt càng phải chứng tỏ mình hơn.

          Tuy nhiên, việc hủy thầu quốc tế cũng cho thấy công tác chuẩn bị cho lần đấu thầu vừa qua chưa chu đáo, cẩn trọng, chưa sát với thực tế. Hủy thầu làm ảnh hưởng phần nào đến uy tín của Việt Nam trong các hoạt động kinh tế quốc tế, nên cần tránh để không tạo ra tiền lệ cho những lần đấu thầu tiếp theo. Vấn đề bây giờ là cần kiểm soát chặt chẽ từng khâu trong đấu thầu, đảm bảo năng lực thực tế của doanh nghiệp, tránh tái diễn tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, trúng thầu rồi “bán cái” cho doanh nghiệp khác như đã từng xảy ra trước đây./.

Bình luận

    Chưa có bình luận