Những cánh cửa mở hé

Hình ảnh trên mạng xã hội còn cho thấy có quán vẫn tiếp đông khách đến uống café sau cánh cửa đóng chặt....

 

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện cách ly xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng là tạm thời đóng cửa các cửa hàng kinh doanh sản phẩm dịch vụ không thiết yếu, đóng cửa chợ tạm, chợ dân sinh. Nhìn chung, các địa phương và hộ kinh doanh đều thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo này của Chính phủ. Từ sáng sớm, tất cả các chợ dân sinh, các điểm kinh doanh tập trung đông người đều có lực lượng dân phòng đứng gác để tránh tụ tập đông người và nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…

Những cánh cửa mở hé sau Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện cách ly xã hội.

Tuy nhiên, đó đây vẫn xuất hiện một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán café, quầy cá cảnh mở hé để đón khách. Hình ảnh trên mạng xã hội còn cho thấy có quán vẫn tiếp đông khách đến uống café sau cánh cửa đóng chặt. Đây là một hình ảnh hết sức phản cảm, thể hiện ý thức rất kém của cả người bán và người mua.

Vẫn biết, một ngày đóng cửa hàng quán, ngừng sản xuất kinh doanh, thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chịu áp lực rất lớn từ tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa tồn đọng, tiền nguyên vật liệu, tiền điện, tiền nước kinh doanh, tiền lương, tiền công chi trả cho các bộ phận quản lý... ngoài ra còn có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người làm thuê, công nhân lao động… Thế nhưng nếu không thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội, để dịch bệnh lan rộng như ở nhiều quốc gia khác, thì chi phí xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều, và cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh lại càng khó khăn.

Để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đưa ra phương án hỗ trợ đảm bảo hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 làm giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm; hỗ trợ theo nguyên tắc chia sẻ cả người lao động, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và nhà nước cùng chia sẻ để bảo đảm mức sống cơ bản tối thiểu, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phân bổ phù hợp với ngân sách Trung ương và địa phương. Các ngành tài chính, ngân hàng, điện cũng đang đề xuất các giải pháp như giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ về thuế, giảm giá điện, giảm giá xăng dầu… để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ra toàn thế giới. Kịch bản tăng trưởng xấu nhất của Bloomberg đã diễn ra. Nhưng trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được Ngân hàng Thế giới dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 4,9% năm 2020. Để đạt được mức tăng trưởng đó, ngay lúc này, ngay bây giờ, tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân hãy đóng chặt những cánh cửa còn đang khép hờ, để tránh lây lan ra cộng đồng, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy mới bảo vệ lực lượng sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khi dịch bệnh bị đẩy lùi./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận