Cả Mỹ lẫn Iran đều thuộc diện những nơi trên thế giới bị dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra tác oai tác quái nhất và cũng đều chưa biết đến khi nào mới đẩy lùi được dịch bệnh này. Thực tế ấy có nghĩa là hai bên hiện tại đều phải bận rộn trước hết và nhiều nhất với những chuyện nội bộ của chính họ ở trong nước. Vậy mà mới rồi hai bên lại lôi kéo nhau vào một vòng xoáy leo thang mức độ đối địch mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đã ra lệnh cho tàu chiến của Mỹ hoạt động ở vịnh Ba Tư đánh chìm những xuồng vũ trang của Iran tới quấy nhiễu. Iran đáp trả cũng bằng cho biết đã ra lệnh cho quân đội Iran nổ súng vào tàu chiến Mỹ nếu lợi ích của Iran ở vịnh Ba Tư bị tàu chiến Mỹ xâm hại. Mối quan hệ giữa hai nước này vốn rất căng thẳng và thù địch từ nhiều năm nay. Việc dọa nạt và răn đe lẫn nhau, đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng lẫn nhau cho đến nay đã trở thành thông lệ giữa hai nước này. Nhưng việc hai bên đều công khai động tác ra lệnh cho quân đội nổ súng nhằm vào nhau thì chưa hề thấy có. Cũng trong bối cảnh tình hình ấy, phía Iran còn phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo. Mỹ không quan tâm đến vệ tinh quân sự của Iran bằng tên lửa đẩy vệ tinh vì cho rằng Iran dùng việc phóng vệ tinh để thử nghiệm tên lửa chiến lược và chiến thuật tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Lần làm găng với nhau này có khác so với những lần trước đó và tạo cảm nhận là nguy cơ xảy ra chiến tranh hay đụng độ quân sự trực tiếp với nhau ở vịnh Ba Tư đang rất tiềm tàng và gia tăng. Trên thực tế, vẫn cái kiềm chế cũ sẽ không để cho hai bên xô đẩy nhau vào chiến tranh hay đụng độ quân sự trực tiếp với nhau. Vẫn là cung cách dọa dẫm lẫn nhau và răn đe nhau để trang trải nhu cầu đối nội, để giữ thể diện và để không bị coi là yếu thế. Dịch bệnh hoành hành càng khiến cả hai bên phải tuân thủ cái kiềm chế cũ kia./.
Ngân Hà