Khi Việt Nam bắt đầu hội nhập kinh tế quốc tế, lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế hay dành cho doanh nghiệp là “Đừng cố bán cái mình có mà hãy bán cái thị trường cần”. Đây được coi là một tiêu chí để định hướng sản xuất, kinh doanh.
Thế nhưng không dễ để “bán cái thị trường cần”, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới đều thay đổi liên tục, nếu như doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, trang thiết bị chạy theo nhu cầu thì chỉ một thời gian ngắn sau đó những nghiên cứu này đã trở thành lạc hậu, không còn sức hấp dẫn, còn chi phí đổ ra lại quá lớn. Do vậy, làm thế nào để thị trường chấp nhận “cái mình có” mới là một cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt. Và thực tế 20 năm qua đã ghi nhận điều đó…
Thành công của giày dép Biti’s, Bita’s, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên… đã khẳng định điều này khi xuất khẩu hiệu quả và tạo dựng được thương hiệu uy tín đến mức một số doanh nghiệp ở các quốc gia khác sẵn sàng “mượn”, trải qua nhiều lần kiện tụng mới “đòi lại” được. Điều đó cho thấy, nếu doanh nghiệp có sự nghiên cứu kỹ càng để hài hòa giữa sản phẩm mình đang có với nhu cầu tiêu dùng thì vẫn có thể “bán cái mình có” với số lượng và giá cả hấp dẫn, thậm chí còn có thể dẫn dắt xu hướng thị trường như dòng sản phẩm Biti’s Hunter với gương mặt quảng bá là ca sĩ trẻ Sơn Tùng - MTP đã khiến người hâm mộ trẻ phát sốt khi tung ra mẫu giày thể thao mang hình ảnh các nhân vật của hãng phim Marvel.
Mặc dù đã gặt hái thành công nhất định, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn còn nhiều bài toán cần giải quyết. Trước hết là hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam còn kém hiệu quả. Có sản phẩm đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận độc quyền, nhưng khi chủ doanh nghiệp phát hiện doanh nghiệp khác (trong nước) làm giả, làm nhái sản phẩm của mình, khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền thì vẫn không được giải quyết triệt để. Đây là điều mà Công ty TNHH Tôn và Thép Định Nhàn ở Nghệ An vấp phải khi 4 năm nay theo đuổi vụ kiện sản phẩm ke chống bão do chính chủ doanh nghiệp sáng chế ra bị làm nhái ở nhiều địa phương. Thứ hai, lâu nay doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn chủ yếu lo nghiên cứu nhu cầu thị trường nước ngoài hơn là nhu cầu của thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Đó là lý do hàng Việt thì xuất khẩu còn người tiêu dùng Việt lại chủ yếu sử dụng sản phẩm nhập khẩu ở những cấp độ khác nhau.
Bán cái mình có, hay bán cái thị trường cần, suy cho cùng vẫn phải là tiêu thụ được sản phẩm Việt Nam ở đa dạng thị trường, với sự tham gia của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng trong việc bảo vệ hàng Việt trước những yếu tố cạnh tranh không lành mạnh./.