Mục tiêu kinh tế của đất nước ta hiện nay, nhìn từ nhu cầu và khả năng tự thân, cũng như theo kỳ vọng từ các tổ chức nghiên cứu kinh tế và định chế tài chính nước ngoài, thì Việt Nam có thể trở thành một trong 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Ở một số lĩnh vực, Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc như du lịch, nông nghiệp - đặc biệt là xuất khẩu gạo - và một số ngành nghề công nghệ.
Đó là những kết quả thực sự đáng mừng khi chúng ta từng bước đảm bảo an ninh lương thực, tiến tới xuất khẩu gạo, rồi trở thành một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học công nghệ, Đảng và Chính phủ cũng từng bước thay đổi mục tiêu phát triển, thay vì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, sang những lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao hơn, có thể thu hút đầu tư và xuất khẩu hiệu quả hơn, trong đó đặc biệt ưu tiên xuất khẩu công nghệ. Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD; trong đó, lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gần như “sắp đặt lại” trật tự kinh tế thế giới khi hầu hết các quốc gia đều đóng cửa ngành hàng không, kinh tế du lịch lao đao, xuất nhập khẩu khó khăn, đầu tư nước ngoài giảm sút và nhiều quốc gia đối mặt với mất an ninh lương thực. Việt Nam cũng vấp phải những vấn đề tương tự. Đây chính là lúc nền kinh tế Việt Nam phải phát triển dựa vào nội lực, với ngành nông nghiệp có sẵn nền tảng, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều khả quan. Đồng thời, chúng ta cũng có lực lượng lao động dồi dào và đội ngũ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tuy quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ nhưng có bản lĩnh, dám đối mặt với khó khăn. Điều quan trọng là có động lực để kích thích đội ngũ doanh nghiệp này tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho xã hội.
75 năm độc lập, tự chủ, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến dài, không chỉ bắt nhịp với kinh tế thế giới mà một số lĩnh vực, một số vùng có thể phát triển vượt trội. Nhưng để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển này, chính sách kinh tế hậu Covid cần linh hoạt và hướng đến cộng đồng doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch, để tạo đà tăng trưởng khi thế giới khống chế hoàn toàn đại dịch và mở ra cơ hội cho những nền kinh tế đang phát triển./.