Sau thất bại trong việc vận động LHQ quyết định áp dụng trở lại mọi biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), Mỹ đơn phương gia tăng mức độ trừng phạt Iran. Trong vấn đề này, cả trên phương diện chính trị cũng như pháp lý quốc tế và trên thực tế, Mỹ bị cô lập rất rõ.
Những hành động đơn phương này của Mỹ khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ với các nước thành viên NATO và EU ở châu Âu thêm phức tạp và bất hoà. Trong vấn đề hạt nhân của Iran, Mỹ bất chấp hết mọi lợi ích cơ bản cũng như định hướng chính sách của EU. Việc ký kết JCPOA hồi mùa hè năm 2015 giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức với Iran được EU coi là một trong những thành tựu chung nổi bật nhất của EU về chính trị an ninh thế giới và đối ngoại. Khi quyết định đơn phương rút ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran, Mỹ chỉ được có một vài đồng minh và đối tác trên thế giới ủng hộ.
Mỹ bị cô lập trên thế giới trong chuyện này bởi Mỹ áp đặt nhận thức, lợi ích và biện pháp chính sách của Mỹ đối với Iran cho các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA nhưng Mỹ lại tự cho rằng vẫn còn có mọi quyền dành cho những bên ký kết JCPOA. Vì không được LHQ chấp thuận và vì không được các đồng minh và đối tác ủng hộ, Mỹ đơn phương gia tăng mức độ trừng phạt Iran đồng thời trừng phạt cả những đối tác khác không tuân thủ những biện pháp chính sách của Mỹ trừng phạt Iran. Qua đó có thể thấy khi không vận động thuyết phục được các đồng minh và đối tác đồng hành với Mỹ trong quan hệ với Iran thì Mỹ sử dụng chính sách trừng phạt làm công cụ xử lý quan hệ của Mỹ với cả Iran lẫn với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Sự độc hành như thế của Mỹ khiến cho Iran và EU càng phải thận trọng hơn với những cam kết hiện tại cũng như sau này của Mỹ./.
Ngân Hà